Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu tích cực từ mô hình bệnh viện vệ tinh

Tuệ Diễm| 02/11/2016 06:48

(HNM) - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh tại các quận, huyện đã góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải cho các bệnh viện lớn và giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp vừa được đầu tư xây mới.


Niềm tin người dân tăng dần

TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của khu vực phía Nam. Mặc dù có 24 hệ thống bệnh viện tuyến huyện, nhưng trước đây người dân thành phố thường đến thẳng các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối thay vì chấp nhận điều trị tại hệ thống y tế quận, huyện.

Điển hình có Bệnh viện huyện Củ Chi được xây dựng hoàn tất đầu năm 2016 nhưng rất ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Để giúp bệnh viện có thể hoạt động, tạo niềm tin cho người dân sử dụng dịch vụ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo 11 bệnh viện tuyến thành phố như Mắt, Tai - Mũi - Họng, Gia Định, Từ Dũ, Bình Dân, Da liễu, Răng - Hàm - Mặt, Nhi đồng 1... về hỗ trợ các chuyên khoa của Bệnh viện Củ Chi như ngoại khoa, nhi khoa, da liễu, tai - mũi - họng, mắt, sản khoa, răng - hàm - mặt. Nhờ đó, bệnh viện đã điều trị được các ca bệnh khó như ngưng tim, ngưng thở, bệnh mạch vành, mổ bắt con.

Gần đây nhất, Bệnh viện Củ Chi đã cứu sống một sản phụ bị vỡ thai ngoài tử cung. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu khi xuất huyết ồ ạt, nhưng không thể chuyển về bệnh viện chuyên khoa vì sốc mất máu. Các bác sĩ Bệnh viện huyện Củ Chi với sự hợp tác của Khoa Vệ tinh Bệnh viện Từ Dũ bắt tay vào phẫu thuật can thiệp khẩn cấp, cứu được sinh mệnh thai phụ.

Sau 6 tháng thực hiện mô hình bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện huyện Củ Chi đã có sự thay đổi tích cực. Thống kê vào tháng 4-2016, tại bệnh viện chỉ có khoảng 5.600 lượt bệnh nhân thì đến nay, sau khi triển khai, bệnh viện huyện đã thu hút được hơn 56.500 lượt bệnh nhân ngoại trú.

Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho biết: “Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh tăng, chứng tỏ người dân đã đặt niềm tin vào hệ thống y tế quận, huyện. Đồng thời đây là quyết tâm của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện huyện Củ Chi cùng sự giúp đỡ từ các bác sĩ, chuyên gia đến từ 11 bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của thành phố”.

Vẫn còn nhiều việc cần làm

Theo các đại biểu dự hội thảo, mô hình triển khai bệnh viện vệ tinh đã nâng cao năng lực tuyến quận, huyện như Củ Chi, quận Thủ Đức, quận 1, Bình Thạnh. Sự thành công lớn của các bệnh viện nêu trên sẽ là bài học, mô hình nhân rộng cho các bệnh viện tuyến quận, huyện khác của thành phố.

Tuy nhiên, một khó khăn Ngành Y tế thành phố đang gặp phải chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Tình trạng khan hiếm bác sĩ đều xảy ra ở cả 24 bệnh viện tuyến quận, huyện.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sở Y tế đã đưa ra nhiều phương án thu hút bác sĩ về tuyến huyện công tác. Một trong những phương án cụ thể là đưa sinh viên y khoa về các quận, huyện để làm việc. Sở Y tế sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến cơ sở. Với môi trường làm việc tốt, chắc chắn sẽ có nhiều sinh viên y khoa, bác sĩ giỏi về làm việc tại bệnh viện tuyến quận, huyện”.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã trình UBND TP Hồ Chí Minh phương án tăng phụ cấp cho bác sĩ khi về làm việc cho bệnh viện tuyến quận, huyện. Thời gian tới, UBND TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng lại các bệnh viện tuyến quận, huyện với hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.

Hiện nay, đã có một số bệnh viện được xây mới hoàn toàn như: Bệnh viện quận Gò Vấp, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện quận 11 với cơ sở vật chất khang trang, máy móc thiết bị đầy đủ giúp người dân tin tưởng khi lựa chọn khám chữa bệnh tại tuyến quận, huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu tích cực từ mô hình bệnh viện vệ tinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.