Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu mùa xuân tàn phai

Vân Khanh| 31/07/2013 06:25

(HNM) - Giống hệt cách thức đã hạ sát lãnh đạo chính trị cấp tiến Chokri Belaid cách đây 6 tháng, một thủ lĩnh khác của lực lượng đối lập ở Tunisia, ông Mohamed Brahmi đã bị cướp đi mạng sống ngay trước nhà riêng bởi 11 phát đạn oan nghiệt từ hai tay súng lạ mặt.


Và cũng không khác gì những diễn biến sau vụ ám sát đã rung chuyển đất nước Bắc Phi nửa năm trước, sự ra đi của nghị sỹ 58 tuổi hôm 25-7 lại khuấy động không gian xã hội vốn đang ẩn chứa nhiều bất mãn tại Tunisia suốt gần một tuần qua.

Người dân Tunisia biểu tình phản đối chính phủ.



Từ Sidi Bouzid, quê hương của ông Brahmi đến thủ đô Tunis, hàng nghìn người đã đổ xuống đường phố tham gia biểu tình phản đối chính phủ. Quang cảnh này đã tái hiện lại những gì đã xảy ra hơn 2 năm trước ở thành phố nghèo này, khi cậu sinh viên mới tốt nghiệp đại học Mohamed Bouaziz tự thiêu để thể hiện sự phẫn uất trước sự đàn áp của cảnh sát với gánh hàng rong trên phố để mưu sinh của anh. Ngọn lửa uất hận vào ngày 17-12-2010 ấy đã bùng cháy nhanh chóng khắp đất nước Bắc Phi để biến thành "Cuộc cách mạng Hoa nhài". Sự trốn chạy của Tổng thống lúc bấy giờ Zine El Abidine Ben Ali chỉ vỏn vẹn chưa đầy một tháng sau đó đã khiến những người dân bình dị Tunisia tạo nên một dấu ấn lịch sử. Niềm cảm hứng từ cuộc phản kháng đường phố tại đất nước 10 triệu dân đã lan tỏa khắp Trung Đông - Bắc Phi và mang đến một "Mùa xuân Arab" đầy hứa hẹn.

Nếu so với những quốc gia Arab mà cơn gió cải cách đã tràn qua thì quá trình chuyển tiếp chính trị tại Tunisia được đánh giá là khá suôn sẻ. Cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên diễn ra vào 9 tháng sau làn sóng đường phố lật đổ nhà lãnh đạo Ben Ali đã khiến đất nước bên bờ Địa Trung Hải tưởng như bước vào một kỷ nguyên chính trị mới. Niềm vui với sự chuyển mình của đất nước diễn ra không lâu. Sự bình yên ở Tunisia hóa ra chỉ như một khoảng lặng trước cơn bão. Vụ hạ sát lãnh đạo đối lập Belaid vào tháng 2 năm nay đã kéo người dân xuống đường và kết cục là dẫn tới sự từ nhiệm của Thủ tướng Hamadi Jebali. Kịch bản bất ổn này hiện tái diễn với cái chết của nhân vật cấp tiến Brahmi khi chính phủ bị cáo buộc đứng sau hành động triệt tiêu những thành phần đối lập. Áp lực từ dân chúng đòi phế truất chính phủ đã buộc Thủ tướng đương nhiệm Ali Larayedh tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 17-12 tới nhằm khẳng định những cam kết cho tiến trình dân chủ tại quốc gia Bắc Phi.

Con đường cải cách gập ghềnh ở quê hương của phong trào "Mùa xuân Arab" có lẽ sẽ ít xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo hàng đầu thế giới hơn nếu như không có cuộc đảo chính kết thúc thời gian lãnh đạo ngắn ngủi của cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Cùng nằm dưới sự lãnh đạo của phe Hồi giáo, lộ trình xây dựng dân chủ và những bất trắc liên tiếp xảy ra thời gian qua tại hai quốc gia láng giềng này đã làm dấy lên những nghi ngại về việc Tunisia rất có thể sẽ trở thành một Ai Cập thứ hai. Và quả thực, hai quốc gia tại Bắc Phi cũng chia sẻ khá nhiều tương đồng. Mặc dù không dựa trên bản Hiến pháp được chấp bút vội vàng như ở Cairo, các cuộc thảo luận kỹ lưỡng và mang tính thỏa hiệp nhằm xây dựng thể chế mới của Tunis đã bộc lộ những kẽ hở tư tưởng. Lực lượng thế tục, thậm chí có tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn hơn những "người đồng chí" ở Ai Cập, đã không còn cùng chí hướng với những người Hồi giáo cầm quyền. Nỗi lo lắng về tình trạng "Hồi giáo hóa" chính quyền dân sự như một mưu đồ chiến lược của đảng Ennahda - chính đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền - nhằm biến Tunisia thành một quốc gia Hồi giáo là nguyên nhân dẫn tới sự phản kháng dữ dội trên nhiều con phố.

Dẫu vậy, sự khác biệt về quan niệm tôn giáo và chính trị vốn khá mơ hồ khó có thể biến thành những cơn bạo loạn làm lung lay chính quyền chừng nào người dân Tunisia không cảm thấy cuộc sống bị đe dọa. Nhưng tiếc là sự thất vọng của dân chúng quốc gia Bắc Phi với chính phủ nằm dưới sự thống trị của người Hồi giáo đã vượt qua những lời ca thán tràn lan trên các trang mạng xã hội để biến thành hành động. Sự thất bại của Tunis trong việc khôi phục kinh tế để người dân được hưởng những thành quả của cách mạng là điều không thể biện minh. Tỷ lệ thất nghiệp tới 18%, tham nhũng tràn lan, những mũi nhọn kinh tế như du lịch không được vận dụng khiến thiên đường du lịch của Châu Phi một thời gần như bị lãng quên. Có tới 81% người Tunisia tin rằng nạn tham nhũng còn nghiêm trọng hơn so với thời "tiền cách mạng", cho thấy mồi lửa bất bình ở Tunisia không kém gì so với tại Ai Cập.

Vai trò mờ nhạt và lịch sử không tham gia vào chính sự của quân đội Tunisia gần như loại trừ nguy cơ về một cuộc đảo chính quân sự như ở xứ sở Kim tự tháp. Tuy nhiên, đây không phải là một bảo đảm cho sự tồn vong của chính quyền ở Tunis. Mọi thứ đều có thể xảy ra khi mùa xuân mới tại Tunisia đang có những dấu hiệu tàn phai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu mùa xuân tàn phai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.