(HNM) - Đậu gù là đặc sản của thôn Trà Lâm, phường Trí Quả, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Những bìa đậu phụ vuông vức và to hơn mức bình thường ở đây được dân làng gọi là đậu gù. Tương truyền, nghề làm đậu phụ truyền thống ở Trà Lâm có từ gần 400 năm trước.
Để có bìa đậu thơm, ngon, mềm mịn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người làm đậu lựa chọn loại đỗ tương có hạt to, mẩy, chắc, sau đó vo rửa sạch, loại bỏ tạp chất rồi ngâm ngập nước trong khoảng từ 5 đến 7 giờ. Quá trình xay, vắt, lọc bỏ bã, đun ở nhiệt độ và thời gian thích hợp cũng là những công đoạn quan trọng, quyết định đến chất lượng của bìa đậu. Bên cạnh đó, phần chế men cho ra cái đậu trước khi đem ép thành bìa đậu cũng rất quan trọng, quyết định độ mềm ngon của miếng đậu thành phẩm. Đây chính là bí quyết riêng của người dân thôn Trà Lâm.
Trước đây, việc ép đậu phải thực hiện 2 lần, với khuôn nén thô sơ nên tạo ra hình dáng méo, hơi gù. Ngày nay, với khuôn to, người làm đậu Trà Lâm có thể nén được bìa đậu có trọng lượng 500-600gr. Những bìa đậu đạt chuẩn phải thơm, bùi, béo đặc trưng của đậu nành, không bị nát, không có vị chua và để lâu không bị chảy nước.
Sử dụng đậu phụ thường xuyên giúp cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể, giúp chắc xương, tăng hàm lượng sắt trong quá trình tạo máu, ngăn ngừa ung thư… Sản phẩm đậu gù Trà Lâm được bán tại các chợ, cửa hàng thực phẩm, sàn thương mại điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.