(HNM) - Dù
Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại quận Hà Đông. |
Quy định chưa rõ ràng
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý muốn của chủ sở hữu hoặc pháp luật có quy định". Như vậy, tài sản bán đấu giá như là một tài sản thông thường trong giao dịch dân sự, nó có thể là hiện vật, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản; tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai và chỉ bị hạn chế khi bị cấm giao dịch. Tuy nhiên, Nghị định số 17/2010/ NĐ-CP đã liệt kê những tài sản bán đấu giá bao gồm: Động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, cách tiếp cận này vừa không thể hiện đầy đủ nội dung của tài sản và tài sản bán đấu giá trong Bộ luật Dân sự, vừa không cụ thể, là một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị trong lĩnh vực này hoạt động cầm chừng. Trong số 190 doanh nghiệp đấu giá, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực đấu giá tài sản và hoạt động trong lĩnh vực này thường xuyên. Số còn lại chỉ đăng ký lĩnh vực kinh doanh bán đấu giá là hoạt động bổ sung cho các lĩnh vực kinh doanh khác mà không thực hiện phiên đấu giá nào trên thực tế; có doanh nghiệp một năm chỉ tổ chức một vài phiên đấu giá. Điều này làm giảm tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp bán đấu giá, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương. Tại một cuộc khảo sát của Sở Tư pháp Hà Nội, trong 18 doanh nghiệp được kiểm tra thì chỉ có một doanh nghiệp là bán đấu giá tài sản, có công ty thậm chí chưa có nhân viên, có đấu giá viên chưa một lần đi làm công tác này.
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP còn quy định người tham gia đấu giá tài sản phải nộp tiền trước. Theo bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, số tiền đặt trước này trong những trường hợp bán đấu giá tài sản có giá trị lớn có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý tiền đặt trước gây nên sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng. Thậm chí đã phát sinh một số tiêu cực như, tổ chức bán đấu giá sau khi nhận tiền đặt trước đã chiếm giữ, để thất thoát và không hoàn lại tiền đặt trước cho người không trúng đấu giá được quyền nhận lại tiền theo quy định của pháp luật.
Phải bảo đảm tính linh hoạt
Để khắc phục tình trạng trên, dự án Luật Đấu giá tài sản đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng. Theo quan điểm của tổ biên tập dự án luật, để bảo đảm tính linh hoạt, bên cạnh hình thức nộp khoản tiền đặt trước trực tiếp cho tổ chức bán đấu giá tài sản, cần bổ sung hình thức nộp vào tài khoản tạm giữ tại ngân hàng nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người đăng ký tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá sau này.
Ủng hộ phương án mở trên (vì trong trường hợp bán đấu giá tại vùng sâu, vùng xa, không có tổ chức ngân hàng để mở tài khoản tạm giữ thì cần nộp trực tiếp cho tổ chức bán đấu giá tài sản), song ông Lê Anh Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Đấu giá Bắc Trung Nam cũng nêu quan điểm phải quản lý chặt chẽ tiền đặt trước. Theo đại diện doanh nghiệp này, thực tế đã có tổ chức hành nghề đấu giá thu tiền đặt trước tới 40 ngày với số tiền hàng trăm triệu đồng. Số lãi thu được từ khoản tiền này khi gửi ngân hàng là không nhỏ. Do đó, để tránh các tiêu cực có thể phát sinh, có thể đưa ra quy định thu tiền đặt trước trước 3 ngày. Trường hợp người tham gia đấu giá không trúng, thì ngân hàng phải là cơ quan trung gian, có trách nhiệm bảo lãnh, trả lại tiền cho họ sau 2 ngày. Điều này không những ngăn chặn tình trạng tùy tiện trong quản lý, sử dụng tiền đặt trước mà còn giúp người tham gia đấu giá yên tâm vì quyền lợi của họ được bảo đảm.
Tuy nhiên, luật sư Quản Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đấu giá số 5 quốc gia cho rằng, trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản nếu dùng biện pháp thu tiền đặt trước rồi gửi vào tài khoản ngân hàng, sau đó rút từ ngân hàng ra trả lại cho khách hàng phức tạp, tốn nhiều thời gian và rất bất cập. Việc tài khoản phong tỏa cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp đấu giá trong quá trình hoạt động. Quan trọng nhất là bản thân các tổ chức hành nghề bán đấu giá tài sản đều ý thức được rằng phải hoạt động chuyên nghiệp, giữ uy tín để làm ăn lâu dài. Khi đó, dù hoạt động theo phương án cũ khách hàng vẫn tìm đến. Ngoài phương án trên, có ý kiến cho rằng, cần thiết phải quy định rõ trong luật để buộc phải thực thi và tuân thủ điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho doanh nghiệp đấu giá. Qua đó sẽ loại bớt các doanh nghiệp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhưng vẫn hoạt động đấu giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.