(HNM) - Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ngày ngày tất bật vì
Lễ tốt nghiệp thạc sĩ ở Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. |
Đau đáu vì những "anh em" ngoài công lập
Là "thuyền trưởng" của một trường ĐH ngoài công lập khá nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TS Nguyễn Mạnh Hùng quan tâm rất nhiều đến sự phát triển, tồn vong của hệ thống các trường ngoài công lập. Chính vì vậy, ngoài thời gian giữ hướng đi cho con tàu "ĐH Quốc tế Hồng Bàng", ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu về hệ thống ĐH ngoài công lập trong nền giáo dục quốc dân. Và có lẽ, chỉ có TS Nguyễn Mạnh Hùng mới dám nhìn thẳng vấn đề khi thẳng thắn: "Ðại học dân lập như miếng pho mát có nhiều lỗ thủng…". Cụ thể, theo phân tích của ông, ở môi trường dân lập, có người đưa cả vợ con vào Hội đồng quản trị để làm việc; có nơi, vợ ông này làm thủ quỹ để quản lý thu chi, kiểu tư duy gia đình "như thu chi tiền chợ hằng ngày"; có nơi chồng lại cho vợ làm kế toán để bảo vệ két tiền, như kiểu "bảo vệ ruột tượng". Nhìn bề ngoài, tưởng chừng như đấy là một sự đoàn kết keo sơn, chặt chẽ nhưng thực chất đã đâm chồi mầm mống mâu thuẫn, dẫn đến khó điều hành. Kế đến, quy định hiện tại vẫn chưa cho phép trường ngoài công lập tự chiêu sinh, dẫn tới quyền tự chủ của các trường không bảo đảm. Chưa hết, gần đây lại có quan điểm xem giáo dục là hàng hóa, đã đẩy lùi giá trị nhân bản của lĩnh vực hết sức quan trọng này...
Mặt khác, theo góc nhìn của TS Nguyễn Mạnh Hùng, trong một "khu định cư" chung của làng ÐH còn có cái "hố" ngăn cách, một bên là trường công lập được xem như con đẻ, một bên là trường dân lập, bán công không khác gì con riêng. "Con ông con tôi" thì làm sao tránh khỏi cái cảnh "mẹ ghẻ, con chồng". "Những chuyện như thế, tôi cũng từng nói nhiều rồi nhưng... Cho nên, nói thật là nhiều lúc cũng buồn và lo lắm nhưng luôn phải cố ngăn mình đừng nản…" - Ông Hùng tâm sự.
Hiện Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là một trường ĐH đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với các ngành nghề thế mạnh như: Mỹ thuật truyền thông quốc tế, truyền thông đa phương tiện (Kỹ xảo điện ảnh, Hoạt hình manga Nhật Bản, Cartoon Mỹ...), TDTT và võ thuật VN, Y sinh học TDTT và Công nghệ Spa. Ngoài ra, trường còn đầu tư đúng mực với những ngành học truyền thống như Kinh tế ứng dụng; Du lịch; Ngoại ngữ; Điện tử; Tin học, Sinh học môi trường; Kỹ thuật y khoa; Điều dưỡng; Kiến trúc; Luật...; Quan hệ Quốc tế; Khoa học Xã hội; Quản lý đô thị; Mỹ thuật Công nghiệp... |
Tìm hướng đi riêng
Trước thực tế như vậy nhưng với suy nghĩ nếu bản thân hô hào cho có mà không tự làm gương thì cũng chỉ là nói suông, TS Nguyễn Mạnh Hùng cùng Ban lãnh đạo Trường ĐH Hồng Bàng luôn phấn đấu, đổi mới. Những bằng khen, chứng nhận, huy chương quốc gia và quốc tế là những minh chứng cho con đường đi của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Chia sẻ về cách làm, ông Hùng tự hào: "Chúng tôi có 3 phương hướng rèn luyện cho sinh viên của mình. Thứ nhất, thông qua phong trào học tập bằng nghiên cứu, nhà trường luôn vận động trí năng tiềm ẩn của sinh viên để phát hiện những yếu tố mới nhằm đóng góp cho xã hội. Những luận văn, đồ án hay những bài tập bình thường luôn có phần điểm ưu tiên cho những suy nghĩ mới khác biệt và sự phát hiện. Do vậy, óc sáng tạo là dấu cộng đầu tiên đính vào văn bằng tốt nghiệp. Dấu cộng thứ 2, chúng tôi muốn các em là những người góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về môi trường đại học, xem đây là nơi rèn luyện thể lực và ý chí cho chính mình. Sinh viên Hồng Bàng ngay từ năm nhất đã có thể tham gia tích cực các hoạt động đoàn hội, văn hóa - văn nghệ, thể thao trong và ngoài nước. Và cuối cùng, dấu cộng thứ 3 là sinh viên được giáo dục tâm hồn nhân ái thông qua nhiều hoạt động hướng về cộng đồng: hiến máu nhân đạo, cứu trợ nạn nhân lũ lụt, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, dạy trẻ khuyết tật, xây nhà tình nghĩa - tình thương...".
Cùng với mục tiêu giáo dục toàn diện, nhà trường còn sử dụng phương pháp đào tạo duy lý thay cho phương pháp kinh nghiệm. Cụ thể, nhà trường thay đổi phương pháp đọc - chép, nhìn - chép bằng phương pháp "người thầy đứng sau lưng học trò" vốn đang được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới". Với phương pháp này, bài giảng sẽ xuất hiện thông qua các phương tiện power point, video clip, internet video, teleconference (hình thức tương tự cầu truyền hình), giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với nhiều lớp học đang diễn ra đồng thời trên thế giới… Người thầy sẽ cùng học trò quan sát, thảo luận bài giảng để tiếp tục phát hiện ra những điều lý thú. Phương pháp mới này tăng cường tính tự chủ giúp sinh viên tạo cho mình phong cách tự nhiên - xem thầy như anh em, bè bạn, có thể trao đổi ý tưởng thoải mái với thầy giáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.