(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sóc Sơn liên tiếp xảy ra hàng chục sự cố đê điều, công trình thủy lợi trong đó nguy hiểm nhất là tuyến đê Lương Phúc bị sạt lở 3 đoạn dài khoảng 200m ăn sâu vào thân đê tạo các hàm ếch, khả năng lún sụt cao…
Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống thì cũng là lúc người dân xã Việt Long (Sóc Sơn) đau đáu nỗi lo công trình thủy lợi, đê, kè, cống tiêu nước xảy ra sự cố nuốt mất "bờ xôi ruộng mật". Đưa chúng tôi đi thị sát tuyến đê bao Lương Phúc, ông Nguyễn Văn Sáng, người dân địa phương cho biết, hằng năm, cứ đến mùa mưa tình trạng sạt lở lại tái diễn, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Năm 2013, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 5 và 6, người dân đã hốt hoảng khi tuyến đê bao Lương Phúc bị vỡ với chiều dài khoảng 35m, rộng 4m, sâu 3m, nhấn chìm hơn 200ha lúa, gây thiệt hại 70% năng suất. Tại thời điểm này, trên tuyến đê có nhiều vị trí nước tràn qua mặt đê vào khu dân cư làm đổ 150m tường bao trường tiểu học của xã, rất may không gây thiệt hại về người...
Đê bao Lương Phúc xuất hiện nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân. |
Ông Sáng cho biết thêm, không chỉ người dân sinh sống ở địa phương mà ngay cả người tham gia giao thông trên tuyến đê bao Lương Phúc cũng nơm nớp lo sợ tai nạn do chất lượng đê xấu. Hiện tuyến đê bị sạt lở 3 đoạn đặc biệt nghiêm trọng dài khoảng 200m ăn sâu vào thân đê. Tại vị trí bị vỡ, cống Lương Phúc mới được đắp tạm, chỉ trận mưa 50-100mm là nước sông tràn vào ruộng đồng. Đáng ngại, cống Lương Phúc đang đảm nhiệm tiêu nước cho gần 1.000ha đất canh tác 4 xã (Việt Long, Xuân Giang, Bắc Phú và Tân Minh).
Sóc Sơn là huyện trung du, bán sơn địa được bao bọc bởi hơn 70km sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ. Với địa hình phức tạp, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lũ thượng nguồn dồn về, hơn nữa, một số tuyến đê xung yếu, công trình thủy lợi đã cũ, nếu không có phương án nâng cấp, cải tạo, tu bổ, sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Hằng năm, Sóc Sơn đều chủ động khắc phục, song do kinh phí đầu tư lớn, lại là huyện nghèo dẫn đến nhiều dự án được triển khai vẫn "nằm trên giấy". Đơn cử như dự án kè chống sạt lở bờ sông thôn Đoài, xã Phú Minh là ví dụ. Tại đây có 1 trạm bơm Phù Xá Đoài phục vụ tưới cho 80ha đất canh tác. Do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và 6 năm 2013, dòng chủ lưu thúc trực tiếp vào bờ gây sạt trượt nguy hiểm đe dọa tài sản, đất đai và tính mạng của hàng trăm người dân. Do khó khăn về kinh phí, nên dự án vẫn đắp chiếu. Tại xã Việt Long, nơi có các điểm sạt lở thường xuyên trên tuyến đến bao và cống tiêu tự chảy Lương Phúc, cứ mưa xuống là người dân lo úng ngập, nhưng do không có kinh phí nên dự án duy tu, sửa chữa cống này vẫn chỉ là tạm thời khiến người dân rất lo âu.
Qua tìm hiểu, hầu hết các tuyến sông, công trình thủy lợi trên địa bàn Sóc Sơn đều có những "điểm nóng" về nguy cơ sạt lở, hư hỏng. Mùa mưa bão năm 2014 đang đến gần các sở, ngành của thành phố cần khẩn trương xem xét hỗ trợ Sóc Sơn triển khai nhanh các dự án khắc phục sự cố, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút: 10 năm trở lại đây, Sóc Sơn chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão mạnh, mực nước sông Cầu, sông Cà Lồ thường xuyên đạt đỉnh trên báo động 3. Thống kê hằng năm, toàn huyện có gần 5.000ha đất canh tác nguy cơ bị ngập úng. Riêng năm 2013, diện tích đất canh tác bị úng ngập gây thiệt hại trên 70% tới gần 1.840ha cây trồng và thủy sản; diện tích bị giảm năng suất do úng ngập tới gần 424ha lúa, rau màu, thủy sản; diện tích cây ăn quả và cây trồng lâu năm khác 13,4ha... Hệ thống công trình thủy lợi cũng bị thiệt hại nặng nề, các tuyến đê bao Ngọc Hà (Xuân Giang), Thanh Nhàn (Thanh Xuân), Yên Phú (Xuân Thu) nước tràn qua đê; 85m kênh mương đã cứng hóa bị đổ; 3 điểm mái thượng lưu đê tả Cà Lồ (Xuân Thu) sạt lở 60m; xuất hiện hàng loạt tổ hợp mạch đùn, mạch sủi đê hữu Cầu... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.