Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đau đáu mối lo nguồn tuyển sinh lớp 10 ngoài công lập

Thống Nhất| 13/01/2013 07:13

(HNM) - Học kỳ I năm học 2012-2013 mới kết thúc, các trường THPT ngoài công lập (NCL) trên địa bàn TP Hà Nội lại đau đáu nỗi lo thiếu nguồn tuyển sinh lớp 10 cho năm học mới 2013-2014. Đây cũng không phải lần đầu tiên các trường NCL đối mặt với điều này và thực tế cho thấy, nếu không có sự vận động từ phía nhà quản lý và chính nhà trường thì trong tương lai các trường NCL sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nguồn tuyển sinh lớp 10 luôn là nỗi lo của các trường THPT ngoài công lập.
Ảnh: Nhật Nam


Giảm nguồn tuyển?

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2012-2013 toàn TP có 92 trường THPT NCL đang hoạt động, chiếm gần 50% số trường THPT trên địa bàn. Tuy nhiên, số HS theo học tại các trường mới chỉ hơn 10 nghìn em, chiếm gần 17% tổng số HS THPT. Tại hội nghị hiệu trưởng các trường NCL của Hà Nội vừa diễn ra, hầu hết lãnh đạo các trường đều chung nỗi lo về sự phát triển lâu dài, mà trước mắt là mùa tuyển sinh năm học 2013-2014, sẽ diễn ra vào tháng 6 này. Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (huyện Đông Anh) Đỗ Văn Mạn chia sẻ: việc tuyển sinh của nhiều trường NCL hiện nay khá chật vật, mà nguyên nhân cơ bản là không có HS để tuyển. Tính trung bình, trong số hơn 10 nghìn HS NCL hiện nay, chia cho gần 100 trường thì mỗi trường chỉ có khoảng trên 100 HS. Tình trạng đó đã diễn ra ở huyện Đông Anh. Năm học 2011-2012, toàn huyện có gần 4.000 HS tốt nghiệp THCS, trừ số HS vào trường THPT công lập, còn lại 1.088 HS chia cho 10 trường (gồm 8 trường NCL, 1 trường nghề, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên). Theo ông Mạn, trường NCL học phí quá cao (gấp hơn 10 lần trường công lập) nên phụ huynh không ai muốn cho con học trường NCL. Không tuyển được HS, các trường NCL càng rơi vào khó khăn khi không có kinh phí mua sắm thiết bị… Để tháo gỡ khó khăn này, ông Mạn đề xuất: Sở GD-ĐT cần cân đối khi giao chỉ tiêu cho các trường công lập và NCL, giảm số HS/lớp và số lớp/trường ở những trường công lập…

Thực tế, cảnh đìu hiu không chỉ diễn ra ở những trường thiếu cơ sở vật chất. Ông Vũ Văn Tiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Ngũ Lão (Đông Anh) cho biết, trường đã xây dựng khang trang trên diện tích hơn 8.000m2 với hơn ba chục phòng học, đầy đủ phòng chức năng. Mỗi năm trường tuyển khoảng 350 HS, và năm vừa qua chỉ tăng thêm được 70 HS. Tỷ lệ HS tốt nghiệp luôn đạt trên 90%. Rõ ràng không phải do chất lượng đào tạo. Nguyên nhân là do HS đã vào hết các trường công lập. Ít HS, giáo viên cũng bỏ dạy. Kinh phí đầu tư vài tỷ đồng quá lãng phí.

Tăng chính sách hỗ trợ

Nói về vai trò của các trường THPT NCL, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: sự phát triển của các trường NCL đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người dân trên địa bàn TP, tạo thêm nhiều cơ hội học tập trong bối cảnh các trường công lập chưa đáp ứng kịp. Hà Nội mới chỉ đáp ứng chỗ học cho khoảng 70% HS THPT vào các trường công lập, còn lại ở trường NCL. Tuy nhiên, tỷ lệ này giữa các địa bàn lại có sự khác nhau. Trong kế hoạch giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường, Sở GD-ĐT luôn cân đối để tạo sự phát triển đồng đều giữa hai loại hình trường công lập và NCL. Thực tế, tại bốn quận nội thành lõi (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng), chỉ tiêu tuyển sinh giao cho các trường THPT công lập những năm qua chỉ khoảng 40% trong tổng số HS tốt nghiệp THCS. Quan điểm của ngành là cố gắng bảo đảm duy trì và phát triển hệ thống NCL, tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu vẫn là bảo đảm quyền lợi của HS và hướng tới chất lượng thực chất. Vì vậy, chỉ những trường NCL có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo quy định mới được giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Quy hoạch mạng lưới các trường THPT NCL mất cân đối cũng là một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho chính họ, khi tìm nguồn tuyển sinh. Điển hình như Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Từ Liêm... có rất nhiều trường NCL. Song hai huyện Hoài Đức, Đan Phượng lại chỉ có một trường THPT NCL.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các trường NCL cần cố gắng, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học để thu hút HS. Hà Nội đang thực hiện các biện pháp giảm dần sĩ số HS/lớp và số lớp/trường ở tất cả các cấp học của khối trường công lập từ năm học 2012-2013 này. Mục tiêu đến năm 2020, sĩ số bình quân ở tiểu học là 30 HS/lớp, THCS 35 HS/lớp, THPT là 40 HS/lớp. Việc giảm quy mô HS không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững mà còn là cơ hội để các trường NCL có thể khẳng định mình.

Theo quy hoạch mạng lưới trường lớp đã được TP phê duyệt, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 1.200 trường học, trong số này chưa tính cụ thể là trường công lập hay NCL. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường NCL đề xuất, tham mưu với các cấp quản lý bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để có quỹ đất xây trường. Lãnh đạo Sở cũng đã khẳng định sẽ tham mưu với TP tạo điều kiện tối đa để các trường NCL được giao, thuê đất, miễn giảm thuế sử dụng đất. Vấn đề còn lại là ở sự chủ động của các trường NCL.

Hiện mới có khoảng 20% số trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội có cơ ngơi ổn định và xây dựng kiên cố. Số còn lại phải đi thuê, mượn địa điểm; 40% số trường chỉ có dưới 2 phòng học bộ môn, trong đó chủ yếu chỉ là phòng chứa đồ dùng học tập; 30% số trường thiếu sân chơi, bãi tập cho HS; 14% số phòng học là bán kiên cố, và vẫn còn phòng học tạm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau đáu mối lo nguồn tuyển sinh lớp 10 ngoài công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.