(HNM) - Những ngày cuối tháng 5, ba tay vợt của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đã sang tập huấn tại Học viện Thể thao Thượng Hải (Trung Quốc). Chuyến tập huấn này tạo ra dấu ấn mới trong hoạt động thể thao khi sử dụng kinh phí từ nhiều nguồn xã hội hóa thay vì nguồn ngân sách nhà nước.
Phải đến năm 2016 đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia mới có chuyến tập huấn nước ngoài đầu tiên sau nhiều năm bị gián đoạn. Khi ấy, đội tuyển có một Ban huấn luyện mới. Những kế hoạch phát triển dựa trên cơ sở rõ ràng, cách làm nghiêm túc của Ban huấn luyện đã khiến đơn vị quản lý đội (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) tin tưởng, cử sang tập huấn tại Học viện Thể thao Thượng Hải (Trung Quốc). Thực tế, những chuyến tập huấn nước ngoài, nhất là ở các trung tâm bóng bàn lớn của Trung Quốc rất cần thiết với bóng bàn Việt Nam. Quan trọng là phải có đủ sự hiểu biết để đưa vận động viên đến đúng điểm tập huấn nhằm tập luyện, cọ xát, nâng cao trình độ.
Chính trong quá trình tập huấn tại Thượng Hải (Trung Quốc), huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà đã nảy ra ý tưởng kết hợp giữa gia đình vận động viên, đơn vị quản lý đội tuyển trẻ quốc gia, các nhà tài trợ để đưa vận động viên đi tập huấn dài ngày hơn tại đây. Điều này càng có cơ sở thành công khi Học viện Thể thao Thượng Hải hứa giảm giá tối đa chi phí tập huấn. Đó là chuyện chưa từng có trong lịch sử đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. Nhưng quan trọng hơn cả, đội tuyển sẽ hình thành một cách đi mới thay vì theo “lối cũ” phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách của Nhà nước. Trong thực tế, nếu dựa vào ngân sách thì đội tuyển chỉ có thể đưa vận động viên đi tập huấn nước ngoài trong thời gian ngắn, từ 10 đến 15 ngày/năm. Và quãng thời gian ấy cũng chỉ đủ cho vận động viên thích nghi với môi trường mới đã phải... về nước.
Để hiện thực ý tưởng nêu trên, trong gần một năm qua, huấn luyện viên Bùi Xuân Hà đã thuyết phục một số doanh nghiệp đầu tư cho các tài năng trẻ của đội tuyển. Cách làm mới của đội đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, trong đó có các hãng trang phục, thiết bị thể thao như World Sport, Stiga, Andro. Từ nguồn đầu tư của các doanh nghiệp và kinh phí từ ngân sách, gia đình vận động viên đã giúp đội có được chuyến tập huấn kéo dài gần 2 tháng (từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7-2017) tại Học viện Thể thao Thượng Hải (Trung Quốc), nơi tập trung nhiều đội bóng bàn, đủ thúc đẩy trình độ của các vận động viên Việt Nam nhanh hơn.
Huấn luyện viên Bùi Xuân Hà cho biết, kinh phí từ nguồn xã hội hóa chiếm 50% tổng kinh phí của chuyến tập huấn này. Ở thời điểm hiện tại, để có được một chuyến tập huấn như trên, dù chỉ với 3 vận động viên cũng là rất quý. “Trong năm sau, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều cách vận động khác nhằm thu hút nhiều hơn nguồn kinh phí xã hội hóa cho đội tuyển. Khi đó, có thể một doanh nghiệp sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho một vận động viên hoặc hai doanh nghiệp hỗ trợ một vận động viên... Và khi đó, những vận động viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ có nhiều cơ hội được tập huấn nước ngoài hơn”, ông Bùi Xuân Hà chia sẻ.
Để đánh giá hiệu quả của cách làm mới này phải cần thêm thời gian. Nhưng rõ ràng đây là một dấu ấn mới trong xã hội hóa hoạt động thể thao với quan điểm dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo của những người làm công tác quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.