(HNM) - Hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2006-2010 diễn ra trong bối cảnh Đại hội Đảng lần thứ X tiếp tục khẳng định KHCN là động lực phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian qua, KHCN là một trong những giải pháp đột phá, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần quan trọng để phục hồi nền kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra trong các năm 2008, 2009.
Cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp VN đánh giá kết quả giống đậu tương trên đồng ruộng. Ảnh: TTXVN |
Nhiều kết quả ấn tượng
Theo Bộ KHCN, giai đoạn 2006-2010, thông qua việc giải quyết các vấn đề KHCN do thực tiễn đặt ra, năng lực nghiên cứu trong một số ngành đã có sự phát triển vượt bậc. Với mức đầu tư còn thấp nếu xét về giá trị tuyệt đối, nhưng trình độ nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, vắcxin, điều trị tim mạch, công nghệ tế bào... đã sánh ngang trình độ của các nước trong khu vực.
Lĩnh vực có nhiều thành công nhất phải kể đến là phát triển KHCN trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Việc Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, thứ 4 về xuất khẩu cao su, thứ nhất về xuất khẩu hồ tiêu, điều; sản lượng xuất khẩu thủy sản cũng ở mức cao với giá trị lên đến 4,26 tỷ USD năm 2009, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản năm 2009 đạt 15,2 tỷ USD. Có được kết quả trên phải tính đến đóng góp của KHCN, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp lên tới 30%.
Trong 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học Việt Nam đã chọn tạo và tuyển chọn được 170 giống lúa, hàng chục giống ngô và giống cây lương thực khác. Nhờ đó, đến nay trên 80% diện tích lúa được trồng bằng giống mới, trên 90% diện tích ngô trồng bằng giống ngô lai. Vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp được chú trọng, nhất là ở vùng vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long khi 90% diện tích lúa ở đây đã được cơ giới hóa khâu làm đất, trên 70% khâu thu hoạch cũng đã được cơ giới hóa. Các giải pháp về thủy lợi như xây dựng hệ thống kênh thoát lũ, bờ bao, thau chua rửa mặn, dẫn nước ngọt chủ động, tưới tiêu hợp lý đã tạo nên những thay đổi to lớn ở các vùng trồng lúa và các loại cây lương thực khác. Chính các tiến bộ KHCN trên đã góp phần quyết định làm tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả đầu tư đối với cây lương thực. Riêng với cây công nghiệp, công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Hiện nay, đã có 40-50% diện tích lạc, 50-60% diện tích đậu tương, trên 60% diện tích mía và trên 90% diện tích bông được trồng bằng các giống mới.
Đặc biệt, thành công trong xuất khẩu thủy sản, với doanh số đạt 4,26 tỷ USD năm 2009, đưa Việt Nam thành một trong mười nước xuất khẩu thủy sản nhiều và ổn định nhất thế giới có vai trò rất lớn của KHCN. Một số công nghệ sản xuất giống thủy sản đã tiếp cận hoặc vượt trình độ trong khu vực như: sản xuất cá song, cua biển có tỷ lệ sống đạt 6-8%, cao hơn so với trung bình của Đông Nam Á (3-5%); thành công trong sinh sản nhân tạo cá hồi vân; tôm sú bố mẹ trong điều kiện nhân tạo đạt tỷ lệ sống từ giai đoạn tôm trưởng thành đến tôm bố mẹ là 40-50%, tương đương với Thái Lan.
Những mục tiêu cụ thể
Theo Bộ KHCN, giai đoạn 2011-2015, KHCN cần có những hướng đột phá để có thể đưa một số ngành tiệm cận trình độ quốc tế và gia tăng hàm lượng trí tuệ trong một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Mục tiêu này đòi hỏi cần có thay đổi thực chất trong công tác đầu tư, quản lý các nhiệm vụ KHCN. Cụ thể: Phấn đấu đến năm 2015, 15-20% số công trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc được báo cáo tại các hội thảo khoa học quốc tế. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng 50% so với giai đoạn 2006-2010. Về KHCN, nâng tỷ lệ nhiệm vụ KHCN phục vụ các dự án kinh tế lên 50% tổng số các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm. Bố trí 50% nhiệm vụ của các chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước được ứng dụng và phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Riêng về ứng dụng công nghệ, Việt Nam đặt mục tiêu nâng giá trị sản phẩm công nghệ cao đến năm 2015 đạt khoảng 30% trong tổng GDP. 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực có dự án nâng cao năng suất và chất lượng. Về xây dựng tiềm lực KHCN, phấn đấu xây dựng 10 - 12 viện nghiên cứu và 20 - 30 tập thể khoa học đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ KHCN trọng điểm quốc gia ở trình độ quốc tế. Hình thành 100 - 120 nhóm nghiên cứu, tìm kiếm bí quyết công nghệ làm cơ sở để hình thành và phát triển các doanh nghiệp KHCN...
KHCN cùng với GD-ĐT được xác định là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam nhưng việc hiện thực hóa những chính sách này trong đời sống vốn là điểm yếu cố hữu. Việc đưa hoạt động KHCN tuân theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN chính là nhu cầu bức thiết, cần làm nhất hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.