(HNM) - Ngày 21-5, Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu nửa chặng đường thành công của năm APEC 2017 do Việt Nam đăng cai.
Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan đã thảo luận về nhiều nội dung quan trọng. |
Mặc dù số lượng cuộc họp lần này ít hơn SOM 1, song tầm vóc và quy mô các hoạt động lại lớn hơn, nội dung cũng phong phú hơn. Vì vậy, có tới hơn 2.200 đại biểu trong nước và quốc tế cùng hàng trăm nhà báo đến từ khắp các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã tham dự và đưa tin về 50 cuộc họp APEC. Trong chuỗi sự kiện của SOM 2 và các cuộc họp liên quan, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng, tác động tới định hướng hợp tác dài hạn của APEC như: Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai; Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC...
Việc các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự nhiều phiên họp quan trọng đã khẳng định các cam kết thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, coi Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác ở khu vực như APEC, là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại.
Chuỗi sự kiện trong khuôn khổ APEC diễn ra vào thời điểm tình hình kinh tế khu vực có dấu hiệu khởi sắc. Cơ quan nghiên cứu chính sách của Ban Thư ký APEC (PSU) dự báo, tăng trưởng của khu vực năm 2017 có thể cao hơn mức trung bình thế giới, ở mức 3,8% so với 3,5%. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên triển khai những ưu tiên dưới chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Tại SOM 2, nhiều sáng kiến và hoạt động nâng cao năng lực đã được các thành viên đưa ra trên các lĩnh vực đô thị hóa, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, tăng cường tham gia của phụ nữ vào một số ngành nghề, an toàn thực phẩm…
Đáng chú ý, SOM 2 đã cụ thể hóa 4 ưu tiên của APEC do Việt Nam đề xuất, được các nền kinh tế thông qua trong Hội nghị SOM 1 ở Nha Trang, đó là: Thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm khu vực; Thúc đẩy liên kết sâu rộng khu vực; Hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên số; Phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Hội nghị đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư. Mục tiêu Bogor cần gắn với việc tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi người dân và doanh nghiệp được tham gia đóng góp và hưởng thụ những thành tựu của tăng trưởng và liên kết khu vực, góp phần vào những nỗ lực chung toàn cầu về phát triển bền vững. Đồng thời, APEC sẽ nâng cao khả năng thích ứng và sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.
Các kết quả của Hội nghị SOM 2 sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy triển khai chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017, tạo những cơ sở ban đầu để định hướng nội dung và văn kiện sẽ được trình lên các bộ trưởng và các lãnh đạo APEC vào tháng 11 tới tại TP Đà Nẵng.
Sự chuẩn bị chu đáo, tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và chủ trì của Việt Nam đã được các thành viên APEC và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Điều này cũng thể hiện nỗ lực, sự phối hợp ngày càng đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan của Ủy ban quốc gia APEC 2017, sự đóng góp tích cực của của các sở, ban, ngành và người dân Thủ đô Hà Nội. Với nhiều hoạt động phong phú, Việt Nam cũng đã giới thiệu đến bạn bè APEC vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa, con người, tiềm năng thương mại, đầu tư, du lịch của đất nước, đặc biệt là TP Hà Nội giàu truyền thống nhưng năng động và đang phát triển mạnh mẽ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.