(HNM) - Hôm nay (18-9), Đảng bộ, nhân dân xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tại mảnh đất này, cách đây gần 70 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân đã kiên cường đấu tranh giành chính quyền và che chở cho cán bộ cách mạng.
Bưởi Diễn đơm hoa kết trái trên vùng đất Nam Phương Tiến. |
Những dấu ấn không phai
Những ngày này trên quê hương xã Nam Phương Tiến rợp bóng cờ hoa. Người người hân hoan chào đón một sự kiện trọng đại và đầy ý nghĩa, vinh danh sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân xã cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Các vị lão thành cách mạng, những ông già, bà cả của các thôn Nam Hài, Hạnh Bồ, Nhân Lý đều lui tới viếng thăm những địa danh đã đi vào lịch sử. Ngôi nhà tổ chùa Nam Hài, nơi hoạt động bí mật của đội du kích và là nơi sinh hoạt của chi bộ Đảng đầu tiên (được thành lập ngày 15-8-1942 và là chi bộ thứ 2 của huyện Chương Mỹ). Đình Tám mái thôn Nam Hài - nơi diễn ra sự kiện cướp chính quyền về tay nhân dân và công khai thành lập Mặt trận Việt Minh xã Nam Phương Tiến vào ngày 19-8-1945. Còn nữa, đình Nam Hài - cách đây 61 năm, vào ngày 19-12-1949, đã chứng kiến cuộc chiến đấu ngoan cường của lực lượng dân quân du kích xã phối hợp với bộ đội địa phương trong một trận chống càn, tiêu diệt 86 tên địch, bắt sống hai vợ chồng quan ba Pháp, 1 sỹ quan ngụy và thu nhiều súng đạn… Tất cả còn mới nguyên trong ký ức của cán bộ và nhân dân xã Nam Phương Tiến.
Vùng quê heo hút này tìm đến ánh sáng của cách mạng bắt đầu từ năm 1938-1939. Khi có sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, toàn xã rộ lên cùng rèn mã tấu, làm gậy tre, rào làng kháng chiến, xây dựng căn cứ địa chiến đấu và tổ chức đánh địch khi chúng càn quét. Nơi đây còn là khu căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của huyện Chương Mỹ thời kỳ tiền khởi nghĩa, là nơi bảo đảm thông tin liên lạc, nuôi giấu cán bộ, trong đó có đồng chí Hoàng Quốc Việt. Từ năm 1948 đến 1951, LLVT nhân dân xã đã tổ chức 2 trận đánh lớn, nhỏ với 23 lượt tấn công, trong đó có 9 lượt phối hợp với bộ đội địa phương, 17 lượt do dân quân du kích xã chủ động đánh địch tiêu diệt 86 tên, bắn bị thương 83, bắt sống 70 tên, gọi đầu hàng 26 tên thu nhiều vũ khí. Xã còn huy động được 115 hũ gạo, gần 300 tấn lương thực, thực phẩm… để phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Vươn tới sự giàu mạnh
Trong niềm tự hào lớn lao, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Phương Tiến vui mừng báo công, miền quê nghèo năm xưa đang từng bước thay da đổi thịt. Người dân đã có cuộc sống đủ đầy, con cháu được học hành thành đạt. Thực hiện lý tưởng của các thế hệ cha anh, Đảng bộ xã quyết tâm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, nghị quyết chuyên đề về dồn ô, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được ban hành. Sau một thời gian ngắn, thôn Nhân Lý và Hạnh Bồ được chọn làm điểm đã thực hiện chuyển đổi 100ha vùng đất úng trũng sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn xã có 5 thôn chuyển đổi được hơn 238ha. Hơn 1.200 hộ tự nguyện dồn ô, đổi thửa cho nhau để xây dựng cánh đồng chuyên lúa, làm trang trại, xây dựng mô hình lúa - cá… Nhờ vậy mà xã từng bước khắc phục tình trạng ngập úng triền miên, phải tái cấy vụ mùa.
Xã Nam Phương Tiến "đột phá" làm điểm đề án "Đầu tư trồng bưởi Diễn trên vùng đất đồi gò", mở lối biến vùng đất đồi gò thành "tấc vàng". Hơn 50ha đất canh tác kém hiệu quả vùng núi Bé đã thành 74 trang trại chuyên canh bưởi Diễn. Gần 400 hộ dân luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành về giống, kỹ thuật, điều kiện phục vụ đề án... Ngay chân núi Bé giờ đây đã hình thành vùng bưởi Diễn bạt ngàn. Lứa quả ngọt đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch, khẳng định việc triển khai đề án sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Một nghị quyết sát, hợp lòng dân đã và đang mang lại sự no đủ cho vùng đất này. Ở đây, có một sự tiếp nối truyền thống, rạng mãi dấu ấn trong giai đoạn mới - xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.