(HNM) - Năm 2014 được nhiều người đánh giá là ấn tượng khi UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 2-1-2014 về việc thực hiện
Bà Trần Thu Hà, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ): Sức lan tỏa của "Năm trật tự và văn minh đô thị" ngày càng lớn
Thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", từ quận, huyện đến cơ sở đã triển khai hàng loạt giải pháp, chương trình cụ thể giúp đông đảo quần chúng nhân dân biết và tự giác thực hiện. Điều dễ nhận thấy là: Trật tự giao thông đô thị, trật tự công cộng tại trước cổng các trường học, bệnh viện, cơ quan đã dần đi vào nền nếp; giảm đáng kể hiện tượng ùn tắc giao thông. Các địa phương, đặc biệt là ở khu vực nội thành áp dụng thành công phương án sắp xếp để xe máy tại nhiều tuyến phố, bảo đảm đường thông hè thoáng; kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán nên vi phạm đã giảm đáng kể. Hệ thống các điểm đỗ ô tô được sắp xếp, bố trí trật tự. Các lực lượng chức năng từ quận, huyện, xã, phường… đã giải tỏa được hàng trăm tụ điểm chợ tạm, chợ "cóc" trên địa bàn; giải quyết cơ bản xong các loại bục bệ, cầu dẫn, mái vẩy, mái che di động, quảng cáo sai quy định trên các tuyến phố trọng điểm; việc thu gom rác thải, tưới rửa đường cũng được thực hiện tốt, bảo đảm cho các tuyến đường phố ngày càng gọn gàng, sạch đẹp hơn.
Bà Đỗ Thu Hồng, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân): Tồn tại được nhìn nhận thẳng thắn để tìm hướng khắc phục
Tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 2-1-2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, tồn tại đối với đô thị Hà Nội trên nhiều mặt làm mất đi hình ảnh của một Thủ đô văn hiến, thanh lịch của người Hà Nội. Nhờ nhìn nhận nghiêm túc, thẳng thắn thực trạng để đấu tranh với các tồn tại, nên, nhiều thay đổi trong xây dựng, quy hoạch đô thị đã bắt đầu "chuyển động" theo hướng tích cực. Người dân chúng tôi hy vọng những thay đổi tích cực trong lĩnh vực trật tự, văn minh đô thị sẽ vẫn được "tiếp sức" đến các năm tiếp theo.
Chị Phạm Minh Huệ, phường Trung Liệt (quận Đống Đa): "Bộ mặt" đô thị được chú trọng
Tôi đánh giá cao với việc hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến phố đã được thay thế bằng cây đúng chủng loại, phù hợp với tính chất đô thị trong những tháng gần đây. Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp trong quản lý nhà nước và đô thị được thực hiện theo quy hoạch, thấy được tầm nhìn "dài hơi" hơn cho sự phát triển của thành phố. Sau một vài năm nữa, việc thay thế cây xanh đô thị hôm nay sẽ phát huy hiệu quả và có giá trị rất lớn cho thành phố của chúng ta. Bên cạnh đó, chủ trương dọn "rác trời", khiến các tuyến phố trở nên phong quang, chấm dứt hoàn toàn cảnh "mạng nhện" như nhiều năm trước. Thiết nghĩ, nếu chủ trương nào cũng được thực hiện nghiêm túc thì thành phố của chúng ta sẽ ngày càng đẹp hơn.
Chị Nguyễn Thu Hiền, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy): Quảng cáo đang đi vào khuôn khổ
Được biết, khoảng giữa năm 2014, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của đại diện các sở, ngành chức năng, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cho dự thảo quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời và dự thảo quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Động thái này hứa hẹn nhiều thay đổi cho đô thị khi hoạt động quảng cáo được sắp xếp theo trật tự mới, đúng quy hoạch. Tuy nhiên, để quy định đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, nghiêm túc trong chỉ đạo điều hành ở mọi lúc, mọi nơi chứ không phải chỉ chú trọng thực hiện trong Năm trật tự và văn minh đô thị 2014.
Ông Hoàng Quân, phường Phú Lãm (quận Hà Đông): Cần có thêm nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực
Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 2-1-2014 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề cập đến rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống và đều là những lĩnh vực động chạm đến quyền lợi của nhiều người dân, nhiều tập thể nên rất khó thực hiện. Do đó, tôi rất ủng hộ sự chỉ đạo của thành phố tiếp tục lấy năm 2015 là năm "Trật tự và văn minh đô thị" để chủ trương này thật sự "ngấm" vào ý thức của mọi tầng lớp nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong từng việc làm, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị… Tôi cho rằng năm 2015 TP Hà Nội nên đề ra những biện pháp thiết thực, cụ thể, có tính khả thi hơn nữa để phát huy thành tích đã đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ông Vũ Anh, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm): Trật tự xây dựng chưa có nhiều chuyển biến
Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong năm 2014 vẫn còn rất nhiều trường hợp xây dựng không phép, sai phép nghiêm trọng bị các cơ quan báo chí "vạch mặt". Hầu hết vi phạm đó đều được các cấp chính quyền biết, lập hồ sơ vi phạm, nhưng thật đáng tiếc vì vi phạm không bị xử lý đến nơi, đến chốn khiến người dân đặt câu hỏi về việc có hay không hiện tượng tiêu cực của cán bộ quản lý trong lĩnh vực này? Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần nghiêm túc hơn nữa trong việc quy trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm để bảo đảm rằng chỉ thị thực sự được phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Hoa, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng): Phải giải quyết tận gốc nhiều vấn đề nảy sinh
Chỉ thị về việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" là định hướng, chủ trương đúng đắn nhằm đưa Thủ đô phát triển theo đúng quy hoạch, để Hà Nội ngày càng văn minh. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực việc thực hiện đường thông, hè thoáng vẫn không được cải thiện; hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp, công tác quản lý trật tự đô thị còn hạn chế… do nhiều nguyên nhân khách quan như: Không còn quỹ đất để bố trí chợ, bãi trông giữ xe, hạ tầng giao thông xây dựng đã quá lâu… Do đó, những tồn tại này cần được giải quyết tận gốc, chứ không chỉ là hô hào, vận động…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.