(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam cũng chịu những tác động không nhỏ, đòi hỏi Chính phủ phải sớm có những quyết sách phù hợp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ cộng đồng DN từng bước vượt qua khó khăn.
Nghị quyết (NQ) 11/NQ-CP (ngày 24-2-2011) của Chính phủ với những giải pháp căn cơ, linh hoạt không chỉ giúp kinh tế nước ta bước sang giai đoạn phát triển mới mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng được đưa ra tại NQ11 đã giúp duy trì ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Ảnh: Đàm Duy
Những quyết sách đúng hướng
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ cuối năm 2008 đã khiến kinh tế thế giới, trong đó có nước ta rơi vào suy thoái. Lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng mạnh đã khiến hoạt động SXKD của DN gặp khó, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh. Nền kinh tế Việt Nam đang trong đà tăng trưởng đã phải có những điều chỉnh phù hợp. Với 6 nhóm giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu... NQ 11/NQ-CP đã mở ra hướng đi mới cho Việt Nam. Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng được đưa ra tại NQ11 đã giúp duy trì ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Ước cả năm 2011, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 12% (chỉ tiêu là dưới 20%). Trần lãi suất huy động VND ở mức không quá 14%/năm đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng, giúp lãi suất cho vay trên thị trường dần đi vào ổn định. Dự trữ ngoại hối đã tăng từ 3,5 tuần nhập khẩu trong quý I-2011 lên khoảng 7,5 tuần nhập khẩu vào quý III-2011.
Bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, Chính phủ cũng thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, nỗ lực cắt giảm đầu tư công, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước (NSNN). Chủ trương tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm 10% chi thường xuyên đã được các ngành, địa phương thực hiện với tổng số tiền cắt giảm năm 2011 là 3.857,7 tỷ đồng. Bội chi NSNN trong năm 2011 đã giảm xuống 4,9%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,3%. Các ngành cũng đã cắt giảm 81.500 tỷ đồng, điều chuyển khoảng 9.452 tỷ đồng vốn nhà nước nhằm giảm tổng cầu, kiềm chế lạm phát, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Toàn bộ số vốn này được bổ sung cho các dự án cấp thiết, cần sớm hoàn thiện trong năm 2012.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ đã thực hiện chính sách ưu đãi thuế với tổng số tiền thuế được miễn, giảm, gia hạn trong năm 2011 là 13.379 tỷ đồng, giúp DN có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động SXKD. Ước cả năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010, cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 106 tỷ USD, tăng 25% (kế hoạch là 10,4%); tỷ lệ nhập siêu bằng khoảng 10,4% (mục tiêu đề ra trong NQ11 là không quá 16%)...
Kết quả thực hiện NQ11 đã góp phần giúp kinh tế Việt Nam tháng 1-2012 đạt kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù tổng mức bán lẻ tăng 22% nhưng CPI tháng 1 chỉ tăng 1% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm gần đây. KNXK đạt 6,5 tỷ USD, KNNK ước đạt 6,6 tỷ USD...
Cần kiên trì thực hiện
NQ11 đã thể hiện quyết tâm cao, phản ứng nhanh của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô mà không đặt mục tiêu tăng trưởng ở vị trí số 1. Đánh giá về tầm quan trọng -của NQ11, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng mạnh, bội chi NSNN ở mức cao khiến đời sống của người dân và hoạt động SXKD của DN gặp nhiều khó khăn, NQ11 đã cho thấy sự đổi mới trong phương thức điều hành của Chính phủ. Việc thực hiện đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội thông qua những hành động cụ thể đã củng cố thêm niềm tin của người dân, DN vào công tác điều hành của Chính phủ. Nỗ lực này cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện qua kết quả tài trợ của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam năm 2012 vẫn ở mức hơn 7,4 tỷ USD.
Mặc dù NQ11 đã thu được nhiều thành công trong thực tế, song các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, Việt Nam cần tiếp tục và kiên trì thực hiện NQ11. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, hiện vẫn còn sớm để Việt Nam có thể nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô, bởi lạm phát vẫn ở mức cao. Việc duy trì và thực hiện nhất quán NQ11 sẽ góp phần giảm lạm phát, hạ lãi suất, qua đó kích thích niềm tin của các nhà đầu tư và thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Tại báo cáo "Triển vọng kinh tế Châu Á - Cơn bão của sự bất ổn", ông Tai Hui - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á của Standard Chartered Bank cũng dự báo, lạm phát năm 2012 của Việt Nam sẽ khoảng 11,3%, mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% sẽ giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện, không gây áp lực làm gia tăng lạm phát.
Những quyết sách đúng hướng tại NQ11 và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc giữ ổn định nền kinh tế, bảo đảm đời sống cho người dân sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam từng bước khôi phục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.