Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn của một tư duy sáng tạo lớn

PGS.TS Bùi Đình Phong| 05/04/2017 06:53

(HNM) - Tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng từ năm 1928, rồi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Duẩn trở thành đảng viên, thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng.

Từ tháng 3-1938, trên cương vị Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí đã lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc đấu tranh công khai trên mặt trận báo chí và nghị trường, tạo ra được một phong trào mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu. Vào hoạt động ở Sài Gòn bên cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Lê Duẩn đã có đóng góp lớn cho sự thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (tháng 11-1939) trong việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới.


Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm Quảng Trị năm 1977. Ảnh tư liệu


Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ lâm thời, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Cùng với xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng, đồng chí đã thực hiện đường lối quần chúng, coi trọng công tác Mặt trận, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Với tác phong gần dân, tin dân, sâu sát quần chúng, đồng chí đã chiếm được lòng tin yêu, cảm phục của đồng bào, đồng chí.

Được sự chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã có những chỉ đạo sát sao, kịp thời cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ, đặc biệt chỉ đạo Hội nghị cán bộ quân sự Nam Bộ với nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích và đề ra được những nhiệm vụ cụ thể, sát thực. Trên cơ sở đánh giá cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, giải quyết vấn đề ruộng đất để lôi kéo đông đảo nông dân, đồng chí Lê Duẩn chủ trương đoàn kết các giáo phái, quy tụ các nhân sĩ trí thức để mở rộng mặt trận đoàn kết toàn dân đánh giặc. Những suy nghĩ và cách làm sáng tạo của đồng chí đã được đưa vào chính sách mặt trận của Trung ương Cục miền Nam, góp phần to lớn trong việc xây dựng Mặt trận đại đoàn kết dân tộc ở Nam Bộ.

Tư duy sáng tạo lớn của đồng chí Lê Duẩn xuất phát từ nhiệt huyết cách mạng, trách nhiệm trong công việc, sự say mê học tập, nghiên cứu lý luận, sức làm việc, đầu óc sáng suốt, uyên bác. Nhiều trí thức tầm cỡ ở Nam Bộ gọi đồng chí Lê Duẩn là con người “hai trăm bugi” (deux cents bougies) với một thái độ trân trọng, kính phục, quý mến.

Trên cương vị mới Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ sau Đại hội II của Đảng, đồng chí tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo toàn lực lượng ở miền Nam. Tháng 8-1956, với văn kiện Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam (gọi tắt là Đề cương cách mạng miền Nam), đồng chí Lê Duẩn để lại dấu ấn của một tư duy sáng tạo lớn về đường lối và phương thức tiến hành cách mạng ở miền Nam.

Sau khi nêu lên mục đích của cách mạng miền Nam là đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Mỹ - Diệm, thực hiện một chính quyền liên hiệp dân chủ có tính chất dân tộc độc lập, giải phóng nhân dân miền Nam, thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc, Đề cương khẳng định “phương thức tiến hành con đường cứu nước và tự cứu mình là con đường cách mạng. Ngoài con đường cách mạng không có một con đường khác”. Đặt cách mạng miền Nam trong hoàn cảnh chủ nghĩa thực dân kiểu mới do đế quốc Mỹ nặn ra và nuôi dưỡng, chế độ độc tài Mỹ - Diệm đã chà đạp thô bạo lên quyền sống, quyền tự do, dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân thì mới thấy hết tầm nhìn về chủ trương và phương pháp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn trong Đề cương cách mạng miền Nam.

Từ giữa năm 1957, ra công tác ở Hà Nội, được giao những trọng trách mới như Phó Trưởng ban chuẩn bị Báo cáo chính trị cho Đại hội III; chủ trì Bộ Chính trị, giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh điều hành công việc hằng ngày của Ban Bí thư, đồng chí Lê Duẩn làm việc tận tâm, tận lực, lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí đã tập trung nhiều công sức, trí tuệ cùng Bộ Chính trị suy nghĩ tìm giải pháp cơ bản cho cách mạng miền Nam.

Được phân công chủ trì soạn thảo Đề án về cách mạng miền Nam, sau nhiều lần trao đổi, thảo luận với các đồng chí tham gia trong các cuộc họp Bộ Chính trị, đầu năm 1959, Đề án được trình bày tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1-1959) và được hội nghị cơ bản nhất trí thông qua.

Hội nghị đã tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc, bắt mạch đúng thời cuộc, phản ánh đúng nguyện vọng, tâm tư của đồng bào, đồng chí cả nước, đặc biệt là khát vọng của đồng bào, đồng chí ở miền Nam; xác định đúng đắn phương hướng phát triển của cách mạng miền Nam; mối quan hệ giữa chiến lược cách mạng hai miền; đánh giá đúng kẻ thù đế quốc Mỹ; thực hiện phương pháp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang... Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, của tập thể Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa II, trong đó, đồng chí Lê Duẩn - trên cương vị là người trực tiếp phụ trách công tác miền Nam, có những đóng góp trực tiếp quan trọng.

Trên cương vị là Bí thư Thứ nhất, rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ Đại hội III đến Đại hội IV, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, xác định đường lối, phương pháp của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do.

Trong giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã kiên trì nguyên tắc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với lòng trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân cùng những phẩm chất cách mạng cao quý, một trí tuệ và bản lĩnh phi thường, đồng chí Lê Duẩn có những đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lịch sử và nhân dân Việt Nam mãi mãi khắc ghi một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, khẳng định công lao to lớn, cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn của một tư duy sáng tạo lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.