(HNM) - Trong sự phát triển của mỗi tờ báo, bên cạnh lực lượng phóng viên, biên tập viên của chính tờ báo còn có một lực lượng không thể thiếu, đó là các cộng tác viên (CTV), bao gồm cả CTV nguồn tin và CTV tin, bài.
Đông đảo CTV tham dự buổi lễ phát động cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện”.Ảnh: Bảo Lâm
Ai cũng hiểu là với mỗi tờ báo, đặc biệt là một tờ nhật báo, muốn nhiều thông tin hay, muốn cập nhật, muốn gần gũi với bạn đọc thì không thể không có lực lượng CTV. Trong thời đại bùng nổ thông tin, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thông tin giữa các cơ quan truyền thông, các phóng viên dù năng động và xông xáo đến đâu cũng không thể len lỏi mọi ngóc ngách, nắm hết những sự việc, biến cố xảy ra trong từng thời khắc, ở khắp mọi nơi. Vì thế rất cần có mạng lưới CTV, thông tin viên rộng khắp, trong đó, nhất thiết phải có những CTV "ruột", những cây viết là chuyên gia của từng lĩnh vực… Trong bài viết này, tôi chỉ muốn kể về cách xây dựng mạng lưới CTV thể thao mà Báo Hànộimới đã thực hiện hiệu quả trong những năm qua.
Còn nhớ những ngày đầu khi tôi mới làm quen việc ở Báo Hànộimới. Trước thềm World Cup 2002, câu hỏi Ban biên tập Báo đặt ra là làm thế nào để chuẩn bị thật tốt cho đợt tuyên truyền kéo dài cả tháng trời, trong đó có rất nhiều trận đấu diễn ra trong đêm, phải có bài bình luận ngay sau khi trận đấu kết thúc trong khi lực lượng phóng viên chuyên về thể thao của ấn phẩm hằng ngày chỉ vỏn vẹn hai người? Giải bài toán ấy, Báo Hànộimới chủ trương mời CTV là các nhà báo thể thao, các cựu cầu thủ, HLV, trọng tài tên tuổi tham gia dự đoán, bình luận các trận đấu. Buổi họp CTV trước đợt truyền thông ấy thật giản dị nhưng cũng rất thú vị. Và câu chuyện giữa những người cùng chung sự quan tâm, niềm đam mê một lĩnh vực thật gần gũi, rôm rả. Và khi vào việc thì tất cả đều hết lòng.
Ông Ngô Xuân Quýnh - cựu cầu thủ Thể Công, chuyên gia bóng đá nổi tiếng một thời. Khi ấy, internet còn chưa được phổ biến như bây giờ, có những trận đấu kết thúc lúc 23h, ông Quýnh không đợi phóng viên gọi điện ghi chép lời bình luận cho mục Góc nhìn chuyên gia, mà cẩn thận viết ngay từng dòng bình luận theo nhịp trận đấu, đạp xe từ phố Lý Nam Đế mang thẳng đến tòa soạn Báo Hànộimới ngay sau khi trận đấu kết thúc chỉ chừng mươi phút. Chỉ đôi ba trăm chữ, nhuận bút có khi chỉ vài chục nghìn đồng nhưng sự nghiêm túc và trân trọng với công việc của "người CTV theo kỳ cuộc" ấy thật đáng nể! Hay như cựu cầu thủ Công an Hà Nội Nguyễn Ngọc Điệp với phần bài dự đoán trước trận viết cực kỳ gọn gàng, đơn giản, nhưng tỷ số dự đoán thì đa phần "trúng phóc", khiến không ít dân nghiền bóng đá phải thán phục, còn nhiều bạn đọc Hànộimới thì háo hức tìm xem mỗi ngày để có căn cứ dự đoán! Rồi những Nguyễn Trọng Giáp (cựu cầu thủ Thể Công), Đoàn Phú Tấn (Hội đồng trọng tài quốc gia), các nhà báo có tiếng như Nguyễn Lưu, Lê Lành, Lưu Thông… tất cả đều làm cho các chuyên mục Lăng kính, Góc nhìn chuyên gia, Còi méo Còi tròn của Hànộimới mang những sắc thái rất riêng, dung lượng ngắn gọn nhưng không kém phần sắc sảo.
Còn với CTV Phan Sang - thuộc nhóm "CTV ruột" của Hànộimới, ông không chạy đua với những máy ảnh hiện đại của cánh phóng viên trẻ, mà có lợi thế gần như "độc tôn" về kho tư liệu ảnh cực kỳ phong phú qua các thời kỳ, được hệ thống hóa một cách rất khoa học. Thế nên, rất nhiều lần cần đến những ảnh tư liệu hiếm nơi có, cứ "a - lô" thì chỉ một lát sau là có ảnh với chú thích cẩn thận. Luôn đúng hẹn, cẩn thận và chính xác, đó là những bài học quý giá mà các phóng viên trẻ của Hànộimới học được từ người CTV thân thiết ấy.
Sau World Cup 2002, việc huy động và xây dựng mạng lưới CTV theo từng đợt truyền thông theo sự kiện của Hànộimới ngày càng trở nên "quy lát", bài bản. Những kỳ SEA Games; Euro; World Cup; rồi ASIAD; ASIAN Indoor Games; Olympic… và rất nhiều sự kiện khác đều có dấu ấn của lực lượng CTV, Thông tin viên trên những ấn phẩm của Báo Hànộimới. "Mời, huy động CTV tham gia cộng tác theo từng đợt truyền thông cũng chính là một cách để tạo sân chơi thật sự hay, hấp dẫn và đa sắc. Mà đã như một cuộc chơi, thì phải chơi đẹp, "fair-play" mới bền được" - một "tiền bối" về nghề ở Hànộimới nói vui như vậy. Nói vui, nhưng ngẫm ra thật đúng. Bởi quan hệ giữa tòa báo với CTV luôn là quan hệ hai chiều, đều cần đến nhau ở một khía cạnh nào đó, nhưng trên hết và trước hết, không thể thiếu sự trân trọng, chân thành và chu đáo nếu muốn quan hệ ấy thực sự bền vững, lâu dài và ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.