(HNM) - Phản ánh tới đường dây nóng Báo Hànộimới (ĐT: 043.8247615; 0912438855), người dân thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa) cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, nghề sản xuất tăm hương phát triển kéo theo nhu cầu mở rộng mặt bằng nhà xưởng.
Đất nông nghiệp tại xứ đồng Thối, thôn Hoa Đường "biến" thành nhà xưởng sản xuất từ nhiều năm nay. |
CÓ mặt tại xứ đồng Thối (giáp Nhà văn hóa thôn Hoa Đường) của thôn Hoa Đường, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Hai xưởng sản xuất tăm hương được xây dựng trên đất nông nghiệp đang hoạt động hết công suất. Các nhà xưởng sản xuất được dựng bằng cột sắt, lợp mái tôn. Tìm hiểu được biết, khu vực đồng Thối trước đây được người dân cấy lúa. Từ năm 2010 trở lại đây, hộ ông Lê Văn Dân và ông Cao Xuân Hồng đã đổi đất cho một số hộ dân trong làng, sau đó đổ đất, san nền, dựng nhà xưởng sản xuất tăm hương với tổng diện tích gần một nghìn mét vuông. Trước hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp của hộ ông Dân và ông Hồng, người dân trong thôn đã nhiều lần phản ánh với chính quyền thôn và xã, đề nghị xử lý vi phạm, nhưng từ đó đến nay chưa bị xử lý. Hộ ông Lê Văn Dân còn "mượn" một phần diện tích khuôn viên Nhà văn hóa làm nơi sản xuất, tập kết và phơi hàng hóa, gây bức xúc trong nhân dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những nội dung người dân phản ánh, ông Ngô Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Trường Thịnh thừa nhận đó là sự thật. Diện tích đất nhà xưởng của hộ ông Dân và ông Hồng trước đây là đất nông nghiệp. Thời gian đầu các hộ chỉ đổ mùn, phế thải, sau đó đổ đất san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng. Theo thống kê của UBND xã Trường Thịnh, diện tích vi phạm của hộ ông Dân là 540m2, trong đó đã làm nhà xưởng 300m2; diện tích vi phạm của hộ ông Hồng là 444m2. Khi phát hiện vi phạm, UBND xã đã lập biên bản đình chỉ thi công, ra thông báo yêu cầu tháo dỡ vi phạm… nhưng các hộ không chấp hành, cố tình hoàn thiện nhà xưởng và đưa vào sản xuất. Khi được hỏi, tại sao vi phạm xảy ra đã lâu mà không xử lý dứt điểm? Ông Cường cho biết, lý do chậm xử lý là do xã đang mắc các thủ tục pháp lý để ban hành các quyết định cưỡng chế. Mới đây, UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Ứng Hòa, xin ý kiến chỉ đạo về việc xử lý hai trường hợp nêu trên (?).
Theo thông tin người dân cung cấp, ngoài hai trường hợp nêu trên, tại thôn Hoa Đường còn một số diện tích đất nông nghiệp tại đồng Miếu, Đầm Đá cũng bị người dân sử dụng sai mục đích (chủ yếu xây dựng nhà xưởng sản xuất tăm hương, xây nhà ở kiên cố - PV). Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Ngô Mạnh Cường khẳng định, khu vực đồng Miếu không phải là đất nông nghiệp mà là đất ao đến nay các hộ mới san lấp, xây dựng nhà ở và xưởng sản xuất. Còn tại khu vực Đầm Đá, hộ ông Cao Văn Ngự xây dựng hai bức tường trên đất công chưa bị phá dỡ.
Vi phạm quá rõ ràng, nhân dân đã nhiều lần có ý kiến, thế nhưng chính quyền địa phương lại không xử lý kịp thời, dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân. Nhằm lập lại kỷ cương trong công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn, tránh để tình trạng vi phạm trở thành "vệt dầu loang", đề nghị các cơ quan chức năng huyện Ứng Hòa, xã Trường Thịnh sớm kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm các trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.