Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất nông nghiệp bị biến tướng

Nhóm PV NN-NT| 27/09/2010 07:30

(HNM) - Trong một thời gian dài, xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã xảy ra tình trạng quỹ đất công do HTX hoặc xã quản lý được cho thuê, đấu thầu trái phép dẫn đến tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp gây bức xúc trong nhân dân.


Cùng với đó hàng chục hécta đất nông nghiệp vùng bãi màu mỡ bị các hộ dân tự ý chuyển nhượng dẫn đến nguy cơ mất dần đất nông nghiệp và xuất hiện tình trạng đất bỏ hoang, gây lãng phí.

Xây nhà tràn lan trên đất nông nghiệp

Theo phản ánh của một số người dân ở Song Phương, xã đã cho đấu thầu đất nông nghiệp trái phép vùng Dộc Thượng (thuộc quỹ đất do tập thể quản lý) cho 18 hộ dân với diện tích gần 4.000m2. Ông Lưu Đình Tam, Phó Bí thư thường trực xã Song Phương cho biết, trước đây chủ tịch xã đã thừa nhận nguồn gốc đất khu Dộc Thượng là đất nông nghiệp (thuộc quỹ đất công), xã không bán đất mà chỉ có chủ trương đấu thầu cho thuê 120 m2/hộ, thời hạn 10 năm. Ông Tam cho rằng việc cho thuê đất trong thời hạn dài như vậy là chủ trương của tập thể UBND xã Song Phương, kinh phí thu được xã đã đầu tư nâng cấp đường thôn, xóm, xây trạm biến áp phục vụ nhân dân. Thời điểm UBND xã cho đấu thầu đã thông báo công khai, ai có nhu cầu đều được đăng ký nên trong số tham gia đấu thầu tại khu đất Dộc Thượng có cả cán bộ xã, thôn và HTX.

Trước tình trạng sai phạm trong quản lý đất đai ở Song Phương, huyện Hoài Đức đã thành lập đoàn thanh tra và giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hoài Đức tiến hành kiểm tra, kiểm điểm, xử lý vụ việc vi phạm. Theo Kết luận 02/KL-TT ngày 14-2-2008 của Thanh tra huyện Hoài Đức: Toàn xã Song Phương có 172 trường hợp vi phạm, xây dựng trên đất nông nghiệp, diện tích xây dựng là 11.782m2 (có 7 công trình kiên cố xây trên 1.550m2, 82.132m2 đất xây công trình tường bao). Nhiều công trình quy mô lớn nhưng UBND xã không đưa vào hồ sơ vi phạm, thể hiện sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Đó là khu Bãi Cát - khu vực sản xuất bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH Linh Đan, khu Bãi Nổi gồm khu vực sản xuất bê tông đúc sẵn của Công ty Sông Đà, khu gara ô tô của hộ ông Bá Quý, trại ngựa bạch của ông Nguyễn Quốc Triệu (nhà kiên cố, chuồng trại chăn nuôi cá sấu, ngựa, gấu) xây dựng từ năm 2006. Chính quyền địa phương đã thu hàng tỷ đồng từ việc cho thuê, thầu đất trái pháp luật này. Điều đáng tiếc là mặc dù đã được Thanh tra huyện kết luận, xác định rõ sai phạm nhưng chính quyền xã Song Phương không tập trung xử lý, bỏ mặc tồn tại gây bức xúc trong dư luận.

Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang

Do buông lỏng quản lý đất đai, quỹ đất công bị chính quyền địa phương cho đấu thầu trái pháp luật, dẫn tới việc xây dựng nhà tràn lan trên đất nông nghiệp. Ở Song Phương hiện tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp với mục đích đầu cơ đang diễn ra phổ biến. Giai đoạn 2000-2004, tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp còn diễn ra ngấm ngầm, rồi sau đó trở nên công khai. Đối tượng mua chủ yếu là những người có tiền, trữ đất để chờ giá cao bán thu lời chứ không phải mua để đầu tư sản xuất. Mới đây, phóng viên Hànộimới đã đến quan sát thực địa vùng đất bãi Phương Bảng, đi dọc các trục đường bê tông từ vùng bãi cửa Cầu, khu Dộc Thượng, đường bê tông nối xóm Trại với đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, "mục sở thị " thấy trên 30 khoảnh ruộng được xây tường bao kiên cố, trong đó có nhiều thửa để hoang, cỏ mọc đầy, một số khác đã làm nhà trên đất nông nghiệp. Những thửa ruộng kiểu này đã làm ảnh hưởng tới sản xuất của những hộ xung quanh chia cắt hệ thống kênh mương, gây ách tắc dòng chảy, quy hoạch giao thông, thủy lợi bị phá vỡ.

Ông Vũ Văn Hệ, Trưởng thôn Phương Bảng cho biết: Vùng đất bãi Song Phương khá màu mỡ, nếu thâm canh tốt, nông dân có thể sản xuất RAT với giá trị khoảng 270 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, số hộ sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả cao ở đây chỉ chiếm khoảng 20%, nhiều hộ đã chuyển nhượng đất cho người khác. Lý giải việc đất nông nghiệp vùng bãi Phương Bảng đang bị biến tướng, ông Lưu Đình Tam, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho rằng chính quyền rất khó quản lý việc ngấm ngầm trao đổi chuyển nhượng các hộ với nhau nên không xử lý được.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao hàng trăm trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng xảy ra tại Song Phương gây bức xúc dư luận đã được thanh kiểm tra và có kết luận của Thanh tra huyện Hoài Đức mà vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua? Mặt khác, hàng chục hécta đất nông nghiệp được các tổ chức, cá nhân đầu cơ xây tường bao bỏ hoang gây lãng phí, không được chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đất nông nghiệp bị biến tướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.