(HNMO)- Là vùng quê nghèo nằm xa trung tâm Hà Nội (khoảng hơn 50 km), nhưng xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên lại được nhiều người biết đến bởi sự hiếu học.
Cuối tháng ba vừa qua, sau 5 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại vùng quê Tri Trung. Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, Phó Chủ tịch Đỗ Văn Hinh hồ hởi cho biết: Làng quê Tri Trung cũng đã có nhiều “thay da đổi thịt” so với 5 năm trước, bởi cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm được nhà nước quan tâm đầu tư nhiều. Tuy nhiên, thu nhập chính của phần lớn các hộ dân trong xã chủ yếu vẫn từ sản xuất nông nghiệp, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời buổi “bão giá” như những năm gần đây. Nhưng có điều đáng mừng không vì thế mà “phong trào” thi đỗ các trường đại học, cao đẳng của con em trên địa bàn xã bị giảm sút, ngược lại còn có phần tăng hơn so với những năm trước.
Để chứng minh cho điều mình nói, ông Hinh tìm giở danh sách các em học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng những năm qua. Theo đó, năm học 2011- 2012, xã Tri Trung có 60 em trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (trong đó có 29 em thi đỗ vào các trường đại học). Tất cả những em này đều tốt nghiệp THPT năm học 2010- 2011.
Thầy Nguyễn Xuân Hưởng, Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan cho biết, học sinh học tại trường hầu hết là con em của các xã: Phượng Dực, Hồng Minh, Phú Túc, Tri Trung… (thuộc huyện Phú Xuyên). Riêng Tri Trung có dân số ít nên số lượng học sinh của xã học lớp 12 tại trường bình quân mỗi năm chỉ khoảng 4- 6 chục em. Ưu điểm dễ nhận thấy ở học sinh người Tri Trung là các em rất chuyên cần và ham học hỏi. Bởi vậy, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp rất cao và đã trở thành truyền thống, ngay sau khi tốt nghiệp hầu hết các em đều thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.
Điều này đã được thực tế chứng minh. Bởi cũng như các học sinh trong vùng, do nằm xa trung tâm huyện, các thị trấn, thị tứ, các khu đô thị, đi lại khó khăn, cách trở nên các em học sinh ở Tri Trung đều không có điều kiện để đi học thêm, hay luyện thi tại các “lò”. Theo tâm sự của các phụ huynh và các em học sinh, để đạt được thành tích cao trong học tập phần lớn là do ý thức tự giác học tập của các em. Bên cạnh việc chăm chú nghe thầy, cô giáo giảng, nắm chắc kiến thức trên lớp; tối về các em còn tập trung ôn luyện bài vở tại nhà. Theo các bậc cao niên trong làng, trong xã, đến Tri Trung vào buổi tối khó có thể bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên “túm năm, tụm ba” trò chuyện tào lao, mà ngược lại các em đều say sưa ngồi vào bàn học: Anh chị lớp trước chỉ bảo, kèm cặp thêm các em lớp sau.
Ở Tri Trung, tiêu biểu cho truyền thống hiếu học tại địa phương có thể kể đến những dòng họ, như: Nguyễn, Ngô, Lê, Vũ… Hầu như gia đình nào trong xã cũng có con thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó nhiều gia đình có 3- 4 người con đã và đang theo học, như: gia đình ông Ngô Văn Chiến (có 3 người con đều đã tốt nghiệp đại học); gia đình ông Vũ Sướng (có 4 người con thì 3 người đã tốt nghiệp đại học và đi làm, còn người con út hiện đang là sinh viên khoa Đối ngoại, trường đại học Ngoại thương);…
Có lẽ, cảm được tấm lòng cha mẹ đã vất vả “một nắng hai sương”, sớm hôm tần tảo, chắt chiu từng hạt thóc, củ khoai để cho mình ăn học nên ngay từ nhỏ các em đã có ý thức vươn lên trong học tập, noi gương các anh, các chị đi trước quyết tâm thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; sau khi đã là sinh viên, trong quá trình học tập, các em đều cố gắng để đạt thành tích tốt nhất. Bởi vậy, ở Tri Trung không có trường hợp sinh viên bỏ học dở dang vì lý do vướng vào tệ nạn xã hội. Hầu hết các em khi tốt nghiệp ra trường, trở thành kỹ sư, cử nhân, các em đều sớm tìm được việc làm để phần nào đền đáp công ơn sinh thành, nuôi dạy của cha mẹ, ông bà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.