(HNM) - Chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng năm 2009, kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn tăng trưởng gần 8% (gấp 1,5 lần so với cả nước). Trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đóng góp một phần không nhỏ cho bức tranh kinh tế.
Các dự án có vốn FDI đã tác động đến việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Để làm được điều đó, chính quyền thành phố đã xây dựng một chiến lược bền vững trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Chuyển hướng, tạo cơ hội mới
Trong số hàng chục quốc gia có doanh nghiệp đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng. Cuối năm rồi, trong một lần hiếm hoi tiếp chuyện các nhà báo, ông Yoshida Sakae, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh hồ hởi nói: Năm 2009, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong ngành điện tử của chúng tôi vẫn có một năm thành công. Hiện có gần 800 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, xe hơi, công nghệ, dệt may… Tháng 7-2009, Ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Nidec Tosok Akiba (Việt Nam). Công ty này xây nhà máy (diện tích khoảng 6.000m2 tại KCX Tân Thuận, quận 7) để sản xuất thân van điều khiển trong hộp số tự động, các loại khóa tự động của hộp điện dùng cho ngành công nghiệp và các sản phẩm đúc bằng kim loại dùng trong ngành xe hơi. Một tháng sau, Công ty Điện tử Sharp Việt Nam 100% vốn nước ngoài đã chính thức đi vào hoạt động sau 14 năm hiện diện dưới hình thức văn phòng đại diện. Ông Masashi Kubo, Tổng Giám đốc công ty cho biết, việc thành lập công ty giúp Sharp Việt Nam có thể chủ động trong việc nhập khẩu và phân phối trực tiếp các dòng sản phẩm điện tử, sản phẩm điện gia dụng, máy văn phòng… Đặc biệt, có 7 công ty của Panasonic đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng khoảng 6.000 lao động. Từ giữa năm 2009, công ty đã tuyển thêm khoảng 1.000 lao động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hãng điện tử khác như Toshiba hay Sony đều có những bước phát triển tốt trong kinh doanh cho dù tập đoàn của họ trên thế giới gặp khó khăn.
Cảng container Hiệp Phước (quận 7) khánh thành tháng 10-2009 góp phần phát triển kinh tế cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo Jetro, sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những tháng gần đây, mỗi tháng văn phòng Jetro tại TP Hồ Chí Minh đón khoảng 40-50 công ty Nhật Bản tìm đến để được tư vấn về cơ hội đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam. Một nửa số công ty này quan tâm đến việc thành lập công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại mà thị trường chính là ở TP Hồ Chí Minh.
Dự báo, năm nay sẽ có sự chuyển hướng trong việc đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đang "theo dõi" bước đi của Lotte (mở đại siêu thị tại quận 7), cũng như động thái của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường bán lẻ. Trong đoàn doanh nghiệp tháp tùng theo Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi, một số doanh nghiệp lớn đã tìm hiểu tình hình của Lotte và hứa chắc chắn sẽ khởi động trong năm 2010.
Mời gọi và giữ chân nhà đầu tư
Theo nghị quyết của HĐND, năm 2010 TP Hồ Chí Minh phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 10% trở lên. Ưu tiên hàng đầu của năm 2010 là tập trung vào các ngành mũi nhọn như: Cơ khí, công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến tinh và lĩnh vực dịch vụ… Để làm được điều đó, không cách gì khác là phải tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài. Là người thực thi nghị quyết, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP cho rằng: TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị; xây dựng phát triển các khu đô thị mới hiện đại, các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; các dự án quan trọng có quy mô lớn, phát triển y tế, giáo dục và đào tạo. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân khẳng định: Trước hết là tập trung đầu tư có hiệu quả vào các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm thành khu Trung tâm Thương mại tài chính, khu du lịch sinh thái Cần Giờ, cảng Hiệp Phước và các tuyến đường Metro... Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết thêm, TP Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch đất đai, thống kê quỹ đất trống với thông số cụ thể về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ tiêu về quy hoạch, hình thức đầu tư để công bố rộng rãi phục vụ cho các nhà đầu tư; giải quyết các vấn đề về kết cấu hạ tầng tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư... Nền kinh tế thành phố đang trong quá trình hội nhập quốc tế, một trong những yêu cầu lớn đặt ra là sớm hoàn thiện pháp lý, tiếp cận với hệ thống quy định pháp lý quốc tế. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực có thể tiếp cận được với những nguồn vốn lớn từ quốc tế. Trong sự cạnh tranh đến từ các nước xung quanh về thu hút đầu tư, có thể thấy rằng giá thuê đất rẻ hay chi phí nhân công rẻ chỉ là yếu tố phụ, điều quan trọng là năng lực quản lý và điều hành của cơ quan chức năng, nguồn nhân lực và kiến thức quản lý. Đây mới là vấn đề mà chính quyền thành phố hết sức quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.