Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất không phụ công người

Bạch Thanh| 02/08/2013 06:06

(HNM) - Là huyện thuần nông, đời sống nông dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao tới 14% (năm 2008) nhưng nhờ tích cực dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi…, nông thôn Ứng Hòa đã thay đổi rõ nét.

Nông dân dám nghĩ dám làm

Sau nhiều năm quyết liệt dồn điền đổi thửa (DĐĐT), ruộng đất ở các xã vùng trũng huyện Ứng Hòa đã thành ô thửa lớn, giúp sản xuất thuận lợi, phát huy được sức lao động, sự nhạy bén, sáng tạo của nông dân. Sau DĐĐT, diện tích đất xấu, trũng trước đây để hoang hóa đang trở thành đất "vàng" dưới bàn tay cần cù và óc sáng tạo của nông dân. Trang trại rộng hơn 4 mẫu hiện nay của gia đình anh Tạ Văn Thắng ở thôn Đống Long, xã Hòa Lâm là một trong những vùng đất "chết" hóa thành đất "vàng" sau chuyển đổi ở Ứng Hòa. Từ nhiều năm nay, với mô hình nuôi cá, kết hợp nuôi vịt bầu cánh trắng bán giống, mỗi năm đạt doanh thu từ vài trăm triệu đến hơn 2,5 tỷ đồng. Theo anh Thắng, 5 năm qua, diện mạo nông thôn ở đây có quá nhiều đổi thay. Mừng nhất là đường xá đi lại thuận lợi, nhiều giống cây, con mới đã được đưa vào đồng ruộng và bén duyên với nông dân, giúp người dân có cuộc sống no đủ, dư dả. Hiện nay, mỗi hộ ở thôn Đống Long chỉ canh tác trên một thửa ruộng, phần lớn đã chuyển đổi cơ cấu mang lại giá trị kinh tế cao. Cả thôn có 220 hộ thì có tới 146 trang trại với nhiều mô hình chăn nuôi mới như: mô hình nuôi cá trắm, cá giòn, mô hình nuôi cua kết hợp nuôi chạch.

Thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa). Ảnh: Thái Hiền


Không chỉ Hòa Lâm, đồng đất Trung Tú cũng như lột xác, hàng trăm hộ gia đình đã có việc làm ổn định từ sản xuất nông nghiệp thuần túy và làm giàu trên đồng đất quê hương. Chủ trang trại Nguyễn Văn Đông ở xã Trung Tú chia sẻ: Trước đây, nơi đây không đường, không điện, không có kênh tiêu thoát nước nên chỉ cần một trận mưa là tới 30% diện tích bị ngập úng dài ngày. Từ chỗ hạ tầng từng bước được đầu tư, gia đình anh Đông đã mạnh dạn bỏ hẳn cây lúa và đầu tư vào đào ao thả cá. Hiện gia đình anh đã có 4 ao cá, trong đó có 3 ao cá thịt và 1 ao cá giống, mỗi năm thu hai lứa đạt trên 3 tấn, đó là chưa kể chăn nuôi lợn, gà, bò thịt…

Dồn lực đầu tư cho tam nông

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên cho biết: Huyện xác định giao thông nông thôn và giao thông nội đồng có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao đời sống người dân, nên coi đây là mũi nhọn quan trọng không kém việc DĐĐT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hiện toàn huyện đã cứng hóa đạt chuẩn NTM được 45km đường trục xã, 35km đường trục thôn, 49,2km đường ngõ xóm, 9km đường trục chính nội đồng, 40 cầu qua kênh. Thực hiện Quyết định 16 của UBND thành phố, đến nay toàn huyện đã cứng hóa được 24km đường thôn xóm ở 9 xã; 41 dự án kiên cố hóa kênh mương kết hợp giao thông nội đồng đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng, trong đó đã thi công 23 dự án với tổng chiều dài trên 27km. Nhờ đó, nông thôn Ứng Hòa đã có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 tăng thêm 4,3 triệu đồng/người/ năm so với năm 2008. Trình độ dân trí và kỹ năng sản xuất của nông dân có nhiều tiến bộ. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa ở các vùng, xã trọng điểm với gần 2.000ha mỗi vụ; vùng sản xuất rau an toàn 600-800ha; vùng trồng cây ăn quả 50ha; vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Giá trị canh tác năm 2013 ước đạt 141 triệu đồng/ha, tăng 26 triệu đồng/ ha so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của huyện đạt 13,5%/ năm, trong đó nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo. Toàn huyện cơ bản không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14% năm 2008 xuống còn 6,9%. Có thể thấy đất đã không phụ công người, Ứng Hòa hôm nay đã thay da đổi thịt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất không phụ công người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.