(HNM) - Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Việc thu hồi đất những năm vừa qua vẫn còn nhiều tồn tại liên quan đến lợi ích người dân, có những trường hợp thu hồi đất của dân nhưng không đưa vào sử dụng, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Những tồn tại này trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được khắc phục. Vấn đề giá đất tới đây cũng sẽ được quy định chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, sẽ có một nghị định riêng về giá đất trên cơ sở bảo đảm lợi ích của người dân...
Có thể nói, hóa giải những mâu thuẫn lợi ích liên quan đến đất đai là vấn đề hết sức quan trọng, bởi đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, mà hơn thế, còn là hương hỏa tổ tiên, là không gian sống thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Đất đai gắn với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thiệt hại trong thu hồi đất rất khó đo đếm, do vậy, cần có những quy định chặt chẽ về chế định, trình tự, thủ tục thu hồi đất và các chế tài quản lý chặt chẽ quy trình triển khai. Ví như, theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp "thật cần thiết". Nhưng thế nào là "thật cần thiết"? Ai có trách nhiệm đánh giá mức độ "cần thiết" đó?... Có rất nhiều vấn đề cần được làm rõ bằng quy định cụ thể.
Một vấn đề nữa là mức chênh lệch quá xa giữa giá đất nhà nước (do UBND cấp tỉnh quy định, được sử dụng để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, các khoản thuế đất...) với giá đất thị trường và giá của nhà đầu tư sau khi thu hồi đất bán lại. Sự chênh lệch giá đất quá lớn trong một thị trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng, đầu cơ, dẫn tới mâu thuẫn lợi ích gay gắt giữa người dân - nhà đầu tư - Nhà nước. Do vậy, việc tính giá đất phù hợp với thị trường cần được xem là một nguyên tắc. Tuy nhiên dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần làm rõ khái niệm thị trường bởi thực tế có rất nhiều loại thị trường như: thị trường lúc định giá, thị trường lúc thu hồi, thị trường khi xây dựng dự án…
Có thể nói, những định chế, những quy định mới về thu hồi đất, cách tính giá đất được dư luận quan tâm đặc biệt. Cử tri hy vọng, Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ hóa giải được những mâu thuẫn lợi ích đang diễn ra một cách gay gắt trong lĩnh vực đất đai hiện nay mà còn tạo ra những hành lang pháp lý để đất đai thật sự là nguồn tài nguyên đặc biệt, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, các vị đại biểu Quốc hội cần thể hiện trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, nhìn thẳng vào tồn tại thực tế, đưa ra những quyết sách khả thi để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được hoàn thiện, ban hành, phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống như mục tiêu của Quốc hội đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.