(HNM) - Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Quốc phòng, an ninh (QP-AN) được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định”.
Lực lượng vũ trang Việt Nam chính quy, hiện đại, thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Ảnh: Bá Hoạt |
Song, trước những thách thức to lớn và phức tạp hiện nay, để bảo đảm QP-AN, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) vững mạnh đòi hỏi công tác đảng, công tác chính trị tư tưởng phải được đặt ở tầm mức mới.
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về bảo đảm QP-AN và xây dựng LLVTND trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường… Các thế lực thù địch, phản động ráo riết đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới hết sức thâm độc và xảo quyệt hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trong khi đó, việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm QP-AN ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn thiếu những giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể. Nhìn rộng hơn, Đảng ta chỉ rõ, “bốn nguy cơ” vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Trong đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức không chỉ dừng ở việc sao nhãng trong thực hiện nhiệm vụ, công tác. Theo GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đã xuất hiện những hành động, lời nói cổ vũ cho những tư tưởng sai trái, có hại, thậm chí chống phá quan điểm của Đảng, trong đó có quan điểm đòi “phi chính trị hóa” LLVT.
Thực trạng đó đã và đang đòi hỏi phải đặt nhiệm vụ QP-AN lên tầm mức mới; LLVT không những phải chính quy, hiện đại mà phải thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Nhận thức rõ bối cảnh trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đặt mục tiêu tổng quát: “…Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, CAND và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ đó trước tiên được giao cho các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chính trị trong LLVT với mục tiêu xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, giữ vững phẩm chất, vững vàng nhận thức…
Cùng với sự lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, để thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cần phải quy tụ sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện qua thành quả của công tác xây dựng Đảng vững mạnh, phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại. Điều đó khẳng định quan điểm của Đảng là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Bên cạnh đó, CAND, QĐND cũng như các cơ quan chuyên môn phải làm tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, công tác tham mưu chiến lược, đề xuất chủ trương, kế sách bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia. LLVT phải tham mưu được các giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ xung đột vũ trang, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến, mà trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa” LLVT... của các thế lực thù địch, phản động.
Thực tiễn chứng minh, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công tác bảo đảm QP-AN là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định chân lý đó. Song, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, chặng đường từ tư duy đến hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải được rút ngắn với những việc làm hết sức cụ thể và toàn diện.
Điều quan trọng nữa theo Thượng tướng Tô Lâm, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung nghiên cứu, nắm vững những quan điểm cơ bản, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới về QP-AN, xây dựng LLVT trong văn kiện Đại hội XII của Đảng; liên hệ với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm QP-AN ở từng địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả… Có như vậy mới thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng được LLVT vững mạnh về chính trị, bảo đảm tốt công tác QP-AN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.