Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất cho trường học: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Thế Phương| 15/08/2013 05:36

(HNM) - Hà Nội đã và đang phải đối mặt với một thực trạng đáng buồn là tình trạng thiếu trường lớp ở mọi cấp học. Cả trăm khu chung cư mới mọc lên, nhưng không có trường học, điểm vui chơi giải trí.

Sự học của con trẻ đổ vào khu vực nội đô. Thế là nảy sinh nhồi nhét, nhiều trường có hơn 50 học sinh trên một lớp trong khi quy định của Bộ GD-ĐT tối đa chỉ là 40 - 45 học sinh. Cũng từ đây, nạn chạy trường, chạy lớp hình thành, kéo theo vô vàn hệ lụy. Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã có chủ trương thu hồi những khu đất để hoang hóa, những khu đất đã giao cho các tổ chức, cá nhân nhưng chậm sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc sử dụng không hiệu quả để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trong đó ưu tiên xây dựng trường phục vụ nhu cầu nhân dân.

Thực hiện chủ trương nêu trên, các cơ quan chức năng đã rà soát quỹ đất trên địa bàn và hàng chục lô "đất vàng" tại các quận nội thành đã "phát lộ". Bổ sung cho quỹ đất xây trường học, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất thu hồi đất tại 7 địa điểm, trong đó có 1.800m2 đất tại phố Hàng Khoai, 1.000m2 đất tại số 88 Hàng Buồm…; UBND quận Hai Bà Trưng đề xuất 13 địa điểm, trong đó có 2.500m2 đất tại số 114 Mai Hắc Đế, 6.142,4m2 đất tại số 65 Cảm Hội, 2.186,6m2 đất tại phường Bách Khoa... Gần đây nhất, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thu hồi một phần diện tích đất tại Nhà máy Rượu Hà Nội và Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (quận Hai Bà Trưng) để xây dựng trường học và làm đường Thi Sách kéo dài.

Chủ trương thu hồi đất để xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Thành phố đã khẳng định quyết tâm, nhiều công việc đã được triển khai. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, để có mặt bằng sạch cho việc triển khai các công trình xây dựng trường học là cả vấn đề. Với các khu "đất vàng", đang "hái ra tiền", các đơn vị sử dụng đất đương nhiên sẽ tìm đủ mọi cách để chậm bàn giao, chậm thực hiện yêu cầu thu hồi đất. Rồi sự chậm trễ trong quy hoạch, trong giới thiệu địa điểm mới đã dẫn tới tình trạng có doanh nghiệp muốn bàn giao đất nhưng địa điểm được giới thiệu chưa hoàn thành thủ tục hay chưa có quy hoạch chi tiết… nên phải chờ. Chưa kể việc có những địa điểm mới được giới thiệu không phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh… Tóm lại, việc di dời giải phóng mặt bằng rất khó khăn, do vậy những dự án này thường bị chậm.

Theo quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến 2020, tầm nhìn 2030, nhu cầu quỹ đất dành cho trường học là hơn 1.900ha. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy đến tháng 6-2013, tổng quỹ đất trường học đã đạt là 1.643ha. Dự kiến năm 2014, thành phố sẽ quy hoạch và bố trí đủ quỹ đất cho nhu cầu xây dựng trường học. Vấn đề lúc này là bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, rất cần sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của các ngành liên quan như tài nguyên - môi trường, quy hoạch kiến trúc… và các địa phương. Giáo dục - đào tạo là trách nhiệm của toàn dân. Tình trạng thiếu trầm trọng cơ sở vật chất cho giáo dục là không thể chấp nhận…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đất cho trường học: Cần sự vào cuộc đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.