(HNM) - Dự án xây dựng Trung tâm Dạy nghề Ba Vì tạm dừng triển khai hơn một năm qua dẫn đến hơn chục nghìn mét vuông đất bị bỏ hoang, lãng phí, khiến cử tri huyện Ba Vì khá bức xúc.
Tuy nhiên, dự án tạm dừng triển khai hơn một năm qua dẫn đến hơn chục nghìn mét vuông đất bị bỏ hoang, lãng phí, khiến cử tri huyện Ba Vì khá bức xúc. Để rõ nguyên nhân, nhóm phóng viên Hànộimới đã có cuộc làm việc với các bên liên quan.
Cách đây hơn 2 năm, huyện Ba Vì được thành phố và Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề nhằm giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động... Dự án có tổng mức đầu tư gần 71 tỷ đồng, trong đó, trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thành phố Hà Nội. Ông Đỗ Quang Trung, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì cho biết, trong vòng 4 tháng kể từ lúc khởi công (tháng 5-2013), trong tổng số gần 27.000m2 đất có quyết định thu hồi tại xã Đồng Thái để xây dựng trung tâm, huyện Ba Vì đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được gần 14.665m2 với kinh phí chi trả trên 10 tỷ đồng. Tại vị trí đã có mặt bằng sạch, đơn vị thi công san lấp, xây dựng một số hạng mục cống, rãnh thoát nước với khối lượng xây lắp khoảng 5 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, ngày 3-9-2013, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 6424/UBND-KH&ĐT chỉ đạo tạm dừng triển khai các dự án xây dựng trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện trên địa bàn thành phố chờ thông tư hướng dẫn của liên bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH sáp nhập 3 trung tâm này để thành lập trung tâm mới có đủ năng lực thực hiện đồng thời các chức năng giáo dục thường xuyên, giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề. Ông Nguyễn Quốc Văn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, đến nay đã hơn một năm mà vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nên dự án xây dựng Trung tâm Dạy nghề Ba Vì chưa thể triển khai được. Sự chậm trễ này cộng với hơn chục nghìn mét vuông đất đã giải phóng mặt bằng bỏ hoang kéo dài đã dấy lên những bức xúc trong cử tri huyện Ba Vì.
Mục sở thị khu vực triển khai dự án cho thấy, toàn bộ khu đất màu mỡ trước đây canh tác đem lại thu nhập cho nhiều nông dân xã Đồng Thái bị bỏ hoang, vật liệu xây dựng ngổn ngang. "Lẽ ra sau khi bàn giao đất xây dựng trung tâm dạy nghề theo chủ trương chung của Nhà nước, con em nông dân chúng tôi có nhu cầu được tiếp nhận vào học nghề để có thể thoát nghèo và giàu lên ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Song dự án chậm triển khai, lao động nông thôn vừa mất ruộng và thiếu việc làm" - ông Phùng Trần Anh, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái phân trần. Theo ông Phùng Trần Anh, để xây dựng nông thôn mới không thể dựa vào nguồn nhân lực chất lượng thấp, không có nghề. Sự thành bại của chương trình này chính là nguồn lao động đã qua đào tạo, lao động có nghề. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là địa phương còn nhiều khó khăn như Ba Vì là cần thiết và cấp bách. Đã đến lúc công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Ba Vì không thể "ăn đong". Lao động địa phương phải được đào tạo bài bản, có hệ thống phòng học, xưởng thực hành, trang thiết bị công nghệ dạy nghề tiên tiến, đồng bộ, tránh tình trạng học nhờ tại nhà văn hóa thôn, trụ sở xã, đình, chùa như thời gian qua.
Nhiều ý kiến đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp để các địa phương của cả nước nói chung và huyện Ba Vì nói riêng có cơ sở triển khai dự án, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tránh tình trạng "đánh trống, bỏ dùi" gây bức xúc cho người dân.
UBND huyện Ba Vì được giao làm chủ đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề Ba Vì với thời hạn trong vòng 5 năm (2013-2017). Dự kiến, giai đoạn I (2015-2020), trung tâm này tổ chức đào tạo 1.300 - 1.500 học viên/năm, trong đó, đào tạo thường xuyên tại trung tâm khoảng 900 học viên; sau năm 2020, con số này được nâng lên 2.700-3.000 học viên/năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.