(HNM) - Thành phố Hà Nội có nhiều xã nằm dọc bên sông, qua năm tháng, những dòng sông đã tạo ra cho vùng đất bãi một lượng phù sa màu mỡ, thích hợp với các loại cây trồng. Những năm gần đây, người dân vùng đất bãi đã chuyển từ trồng cây lương thực ngắn ngày sang các loại cây ăn quả giá trị cao mang đến
“Rừng” cây ăn quả ven song
Đến xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, từ góc vườn nhà đến những cánh đồng ngoài bãi đều được phủ xanh bằng các loại cây ăn quả như bưởi, táo, mít… Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đặng Xuân Phú cho biết, bất cứ một khoảng vườn trống nào, dù chỉ vài chục mét vuông, người dân đều tận dụng để trồng cây ăn quả. Trước đây, vùng đất này nghèo khó, những năm 1960, khi nước lũ tràn qua làm "vỡ làng", nhiều người phải rời bỏ quê hương. Theo năm tháng, cùng với sự cần cù, chịu thương, chịu khó, người dân đã cải tạo đất để sinh sống. Nhưng giá trị thực của đất chỉ được người dân Vân Hà nhận ra khoảng chục năm nay, khi một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả cho giá trị cao. Ông Phú nhớ lại, với diện tích 90ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất bãi ven sông, cách đây hơn 10 năm, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với ngô, lạc, đậu tương nên quanh năm nghèo đói. Năm 2007, khi thành công trong công tác dồn điền, đổi thửa, xã đã đưa các loại cây ăn quả về đây, thời gian đầu người dân còn loay hoay chưa biết trồng loại cây nào, rồi một số hộ đưa cây bưởi Diễn và bưởi Tích Giang về trồng. Người này mách người kia, cùng nhau làm giàu, đến nay, toàn xã có 40 vườn trại và dường như đất không phụ lòng người, những vườn cây ăn quả cho thu nhập 300-400 triệu đồng/ha, cá biệt có những vườn thu hàng tỷ đồng một hécta, cao gấp 10-20 lần so với trồng cây lương thực ngắn ngày. Sau khi Vân Hà chuyển đổi, kinh tế bứt phá, những người dân trước đây không có nghề nghiệp phải bám trụ vào dịch vụ đường sông, nay đã chuyển sang buôn bán hoa quả. Diện mạo vùng đất bãi thay đổi từng ngày, số hộ nghèo chỉ còn 3,7%, nhiều căn nhà cấp 4 được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng sang trọng, hiện đại.
Vườn cây ăn quả ở vùng đất bãi Vân Hà (Phúc Thọ) cho giá trị kinh tế cao. |
Rời Vân Hà, chúng tôi đến xã Vạn Phúc, một xã vùng bãi là nơi nghèo nhất của huyện Thanh Trì trước đây. Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Văn Hải cho biết, khoảng 8-9 năm nay, người dân trong xã đã chuyển sang trồng cây ăn quả như bưởi, quất, cam Canh…, trong đó có hơn 40ha bưởi và hơn 60ha cam Canh cho giá trị cao. Có nhiều hộ gia đình làm giàu từ trồng cây ăn quả, điển hình là gia đình ông Lã Văn Thừa, Nguyễn Mậu Thắng, Kiều Viết Chung… Đến Vạn Phúc những ngày này có thể thấy hai bên bờ sông bạt ngàn cây ăn quả. Còn vào dịp tết, cả xã như một ngày hội, nhà nhà, người người thu hoạch bưởi, cam Canh… xe ô tô chở hàng nối đuôi nhau tấp nập…
Không cho đất nghỉ
Lãnh đạo xã Vân Hà (Phúc Thọ) dẫn chúng tôi tới thăm khu vườn của gia đình anh Nguyễn Xuân Thủy ở thôn 4. Mặc dù mới 33 tuổi nhưng nhìn anh Thủy già dặn hơn rất nhiều, có lẽ vì sóng gió cuộc đời, khi mới ngoài 20 tuổi anh đã vay ngân hàng cả trăm tỷ đồng để đầu tư cho chăn nuôi, rồi dự án bị phá sản. Lại bắt đầu từ con số 0, vay mượn của những người thân trong gia đình, năm 2008 anh bắt tay cải tạo vườn, biến những thửa ruộng ở vùng đất bãi thành vườn cây ăn quả và đến năm 2010 thì cây cho thu nhập. Thời điểm đầu, chỉ trồng vài mẫu, các năm về sau, làm ăn có lãi, anh đã thuê lại ruộng của dân. Hiện toàn bộ hơn 2ha đã được phủ xanh bằng các loại cây ăn quả. Để tăng thêm thu nhập, anh Thủy đã trồng các loại rau sạch dưới gốc cây, thu 2-5 triệu đồng/ngày từ tiền rau. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn của anh thu được khoảng 700-800 triệu đồng/ha. Không những trả được hết nợ ngân hàng, anh Thủy còn thay thế được căn nhà cũ bằng ngôi biệt thự sang trọng.
Đến thăm cơ ngơi của gia đình anh Nguyễn Bá Thường, ở thôn 2, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì phần nào cảm nhận được nghị lực của những người nông dân nơi đây. Dù đường từ trung tâm xã vào khu chuyển đổi rất khó đi nhưng không vì thế mà anh lùi bước. Vừa chăm sóc những vườn bưởi sắp tới vụ thu hoạch, anh Thường vừa tâm sự, hiện toàn bộ 2,6ha trang trại của gia đình đều được trồng bưởi, nhãn chín muộn, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 500-800 triệu đồng/ha. Theo anh Thường, khó khăn nhất của các xã ven sông khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư. Đặc biệt, hệ thống điện vẫn chắp vá, giao thông, thủy lợi nội đồng, mương máng chủ yếu là đường đất, rất khó khăn cho việc đi lại và buôn bán của bà con. Người dân mong thành phố có những chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, để vùng đất bãi ven sông ngày càng trở nên trù phú, cuộc sống người dân ngày một giàu có, ấm no…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.