(HNM) - Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, ngành Tài chính Thủ đô đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, những chính sách tài chính phù hợp với từng thời kỳ đã được ban hành, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn kinh tế Hà Nội đã phát triển vững mạnh, có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế cả nước, ngành tài chính Thủ đô đã huy động các nguồn lực phục vụ phát triển KT-XH, phân bổ ngân sách hợp lý, đồng thời thực hiện những cải cách quan trọng, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
65 năm qua, ngành tài chính Thủ đô đã từng bước trưởng thành về mọi mặt, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc. Ngân sách thành phố từ năm 1990 đến nay đã có nhiều chuyển biến cả về thu, chi, cân đối và quản lý. Hoạt động chi ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện theo Luật NSNN với hướng tích cực bố trí hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Trong bối cảnh kinh tế cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang từng bước hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, ngành tài chính Thủ đô cũng đã có những đổi mới quan trọng cho phù hợp với tình hình mới. Các đơn vị Thuế, Hải quan, Kho bạc, Dự trữ Nhà nước của Hà Nội đã có những cải cách phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Chương trình "một cửa liên thông" cùng hàng loạt nội dung cải cách thủ tục nộp thuế do Cục Thuế TP Hà Nội triển khai trong những năm gần đây đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Năm 2009, tại Cục Hải quan TP Hà Nội, chương trình khai báo hải quan từ xa đã được thực hiện với 98% kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo tiền đề quan trọng cho việc tiến tới áp dụng thủ tục hải quan điện tử theo lộ trình của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính. Hệ thống Kho bạc Nhà nước Hà Nội cũng không ngừng cải tiến trong kiểm soát thu, chi nhằm quản lý, điều hành hiệu quả nguồn vốn ngân sách thành phố. Theo số liệu thống kê, mỗi năm Kho bạc Nhà nước Hà Nội đảm đương khối lượng thu NSNN gần một trăm nghìn tỷ đồng, chi ngân sách khoảng 63 nghìn tỷ đồng, song vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cùng với việc triển khai thành công dự án phối hợp thu NSNN qua hệ thống ngân hàng, đơn vị cũng đã đáp ứng kịp thời tiến độ giải ngân vốn tại các dự án quan trọng của Hà Nội, nhất là với các công trình trọng điểm quốc gia. Với chức năng dự trữ hàng thiết yếu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội trong nhiều năm qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất, nhập, dự trữ các mặt hàng chiến lược, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế qua từng thời kỳ.
Công tác huy động các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển của ngành tài chính Hà Nội trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thống kê cho thấy, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo nghị quyết của Quốc hội, công tác xã hội hóa đầu tư trên nhiều lĩnh vực đã được đẩy mạnh với tổng nguồn vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng bình quân 28,3%. Giai đoạn 2006-2010, Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển KT-XH ngoại thành. Đến nay, 100% số xã tại khu vực ngoại thành đã có trạm y tế, trong đó gần 80% trạm y tế có bác sỹ phụ trách. 100% số xã có điện và điện thoại và đến cuối năm 2010, toàn bộ số phòng học xuống cấp ở khu vực nông thôn ngoại thành sẽ được thay thế...
Chặng đường 65 năm qua, ngành tài chính Thủ đô đã được các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Theo bà Nguyễn Thị Hà Ninh, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, 65 năm qua, đặc biệt là 2 năm sau hợp nhất, tập thể cán bộ, nhân viên Sở Tài chính đã tham mưu đắc lực cho thành phố khai thác hiệu quả mọi nguồn thu, bố trí chi tiêu hợp lý, đầu tư NSNN có trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển KT-XH của Hà Nội. Ghi nhận những đóng góp của ngành tài chính Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển mong muốn, ngành tài chính Hà Nội tiếp tục đổi mới, vươn lên trong việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng ngành tài chính theo hướng minh bạch hiệu quả, tạo tiền đề để bắt kịp với tốc độ phát triển chung của cả nước và đáp ứng nhu cầu phát triển của Hà Nội trong giai đoạn tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.