Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng nhu cầu, nhiều bên có lợi

Hồng Sơn| 27/01/2011 07:41

(HNM) - Thị trường những ngày cận Tết Tân Mão diễn ra sôi động. Các doanh nghiệp (DN) dốc sức bán hàng nhằm tận dụng thời điểm người dân mua sắm nhiều. Nhiều đơn vị khẳng định, doanh thu bán hàng dịp Tết sẽ tăng thêm nhờ đưa hàng về nông thôn.


Hàng nội lên ngôi

Ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường phục vụ Tết năm nay là khối DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Những DN đã khẳng định thương hiệu như Fivimart, BigC, Metro, Intimex… đang căng sức đổ lượng hàng lớn ra thị trường.


Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn của Sở Công thương Hà Nội tại huyện Thạch Thất thu hút nhiều người mua sắm.


Theo Sở Công thương, nhu cầu sắm hàng Tết năm nay tăng khoảng 22%, nhưng một số chuyên gia dự báo có thể cao hơn. Điều đáng mừng là hàng nội đang lên ngôi một cách ngoạn mục, chiếm hầu hết không gian trưng bày ở các siêu thị, cửa hàng. Đây là kết quả của nhiều nguyên nhân, mà trước hết là chủ trương lớn thông qua cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đã được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân. Thành phố Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ cuộc vận động này ở các cấp, ngành, nhất là đối với cộng đồng DN. Các DN chủ động lo nguồn hàng, coi trọng mục tiêu đáp ứng tiêu chí chất lượng, xuất xứ và luôn dành sự ưu tiên cho hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là những mặt hàng thiết yếu có giá cả phù hợp với đông đảo người tiêu dùng. Qua đó DN có cơ hội tăng cường tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu và bảo đảm trách nhiệm với Nhà nước cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động. Hàng nội đã tìm được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường, góp phần hình thành thói quen mới trong mua sắm của người Việt.

Hướng mạnh về nông thôn

Dư luận đánh giá cao việc các DN tổ chức những "Phiên chợ Tết" ở nông thôn nhằm hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động. Dẫn đầu là Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thông qua việc tổ chức phiên chợ Tết tại 9 huyện ngoại thành: Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh… từ ngày 25 đến 29-1. Tại Thạch Thất, Hapro đã chuẩn bị 40 gian hàng, bày bán nhiều loại hàng thiết yếu, thực phẩm, đồ uống, thời trang... thu hút hàng ngàn lượt khách đến mua sắm nhiều loại hàng, chủ yếu là quần áo, thực phẩm, nước mắm, bánh mứt kẹo… Nhiều mặt hàng bán rất chạy, như dầu ăn có giá rẻ hơn bên ngoài hơn 20 ngàn đồng/can nên nhiều người mua với số lượng lớn.

Phiên chợ Tết ở các huyện ngoại thành trở thành điểm đến của người tiêu dùng nông thôn, không khí mua - bán tấp nập. Mỗi phiên có quy mô 30-40 gian hàng, với tổng diện tích 500m2. Ghi nhận trong 2 ngày đầu cho thấy có rất đông bà con đến mua, chủ yếu là hàng thiết yếu và hàng Tết. Hapro bán được nhiều hàng tự sản xuất như dầu ăn, quần áo, thực phẩm chế biến và chiếm được cảm tình của đông đảo người dân. Một chị mua hàng cho biết, phiên chợ như thế này thật thuận tiện vì đỡ phải đi xa, nhất là tại một điểm mà mua được nhiều hàng với giá phải chăng, lại an tâm về chất lượng.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Hapro cho biết, trước mắt đơn vị thực hiện tốt đợt bán hàng Tết, huy động tối đa phương tiện, nhân viên nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bà con mua sắm. Về lâu dài, Hapro sẽ kiên trì định hướng mở rộng kinh doanh ở các vùng nông thôn.

Trong khi đó, BigC kích cầu tiêu dùng dịp Tết ở thị trường nông thôn bằng việc tổ chức chuyến hàng lưu động tại các khu công nghiệp (KCN) ở Thạch Thất, Quốc Oai vào ngày 20-1, KCN Quang Minh vào ngày 24-1 và KCN Bắc Thăng Long vào ngày 28-1. Mỗi chuyến bán hàng lưu động bắt đầu từ 7h sáng đến 8h tối. DN này mang theo khoảng 100 mặt hàng "Made in Việt Nam", chủ yếu là quần áo, đồ gia dụng, thực phẩm khô, đồ uống… BigC chủ động đóng gói sẵn giỏ quà Tết có giá phải chăng, hình thức khá bắt mắt nên đáp ứng được nhu cầu, sức tiêu thụ khá mạnh. Đại diện DN này xác nhận, những dịp đưa hàng về ngoại thành là cơ hội rất tốt, dễ thực hiện cho việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm của các DN trong nước.

Hiện nay, ngày càng có nhiều DN chủ động chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất và nhân lực để mở rộng kinh doanh tại thị trường nông thôn. Đó là hướng kinh doanh hiệu quả nhiều bên cùng có lợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng nhu cầu, nhiều bên có lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.