(HNMO) - Sáng 18-5, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thường Tín đã tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tiền Phong giai đoạn 2 và Cụm công nghiệp Thắng Lợi. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo tại lễ khởi công, ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 195ha. Các cụm công nghiệp trên địa bàn hiện đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh các hạng mục: Đường giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước..., đã có 8/11 cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 1 cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ngày 14-3-2018, UBND thành phố có Quyết định số 1292/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020, có xét đến năm 2030, trong đó huyện Thường Tín được quy hoạch phát triển 22 cụm công nghiệp. Đến nay, 11 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng đi vào hoạt động ổn định và 11 cụm công nghiệp quy hoạch mới.
Bên cạnh đó, năm 2020, huyện đã có thêm 3 cụm công nghiệp được UBND thành phố phê duyệt thành lập, gồm Cụm công nghiệp Thắng Lợi, Cụm công nghiệp Tiền Phong giai đoạn 2 và Cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2.
Dự kiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn huyện sẽ hình thành và phát triển khoảng 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 754ha. Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết khó khăn vướng mắc về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền chúc mừng những kết quả đã đạt được của huyện Thường Tín, đồng thời nêu rõ, huyện Thường Tín với 126 làng có nghề và hàng nghìn cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 195ha. Tuy nhiên, nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở kinh doanh làng nghề hiện vẫn còn rất lớn. Vì vậy, việc tổ chức khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp Thắng Lợi (quy mô 8,9ha) và Cụm công nghiệp Tiền Phong - giai đoạn 2 (quy mô 8,1ha) sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, dần đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tiềm năng phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề của địa phương.
Để đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất kinh doanh trong 2 cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã đưa ra một số chỉ đạo. Cụ thể, đối với các sở, ban, ngành thành phố và UBND huyện Thường Tín, UBND xã Thắng Lợi và xã Tiền Phong cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Sở Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc, kịp thời tham mưu cho thành phố các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành các dự án đưa vào hoạt động, khai thác theo đúng tiến độ.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cũng yêu cầu các chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản công nghiệp V-Park Thủ đô và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng & đô thị Hoàng Tín cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư thứ phát để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thường Tín nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.