(HNMCT) - Sự ra đời của không gian mỹ thuật đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn đời sống nghệ thuật nước nhà. Tuy vậy, có thể nhận thấy không gian dành cho mỹ thuật đương đại hiện còn hạn chế, rất cần nguồn lực xã hội hóa.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến:
Góp phần tiếp nối mạch nguồn lịch sử mỹ thuật nước nhà
Không gian trưng bày đương đại góp phần tiếp nối mạch nguồn lịch sử mỹ thuật của nước ta, từ thời cổ đại đến hiện đại và đương đại. Ý tưởng về việc quy tụ các tác phẩm đương đại (trước đây còn gọi là tranh phá cách) của các thế hệ lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là đáng ghi nhận.
Tôi cho rằng việc sưu tầm tranh từ mấy thập niên trước của bảo tàng là kịp thời. Tôi vẫn nhớ họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung khi mới thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức mua tranh của các họa sĩ Tạ Tỵ, Đào Sĩ Chu. Năm 1978, chúng tôi đã vào thành phố Hồ Chí Minh mua tranh của các họa sĩ trẻ có "tiếng nói mới" trong sáng tác. Sau này, tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980, những bức tranh tiêu biểu của họa sĩ hai miền Nam Bắc cũng được bảo tàng mua lại, gìn giữ. Điều tiến bộ nhất của bảo tàng chính là có một cái nhìn mạch lạc, liên tục về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, cố gắng cải thiện điều kiện trưng bày để mang đến cho công chúng một bức tranh toàn diện về lịch sử mỹ thuật nước nhà.
Còn với lĩnh vực tư nhân, chúng ta đang có những không gian trưng bày như Đại Lải Flamingo với những tác phẩm tâm đắc về đề tài cuộc sống, thiên nhiên và con người qua những trải nghiệm khác biệt của nghệ sĩ. Một số địa điểm khác như Heritage Space, VCCA... tuy chỉ là những gallery nhưng cũng đã hỗ trợ các nghệ sĩ rất nhiều trong việc tìm tòi, trải nghiệm nghệ thuật. Tôi cũng đánh giá cao Bảo tàng Không gian văn hóa Mường bởi nó có ngôn ngữ riêng. Tại đây, chúng ta có thể cảm nhận những gì độc đáo của núi rừng, những gì xưa cũ của cha ông được sắp đặt và mang một không khí mới.
Họa sĩ Phạm Huy Thông:
Không chỉ trông đợi vào nguồn ngân sách nhà nước
Giá trị của mỗi bộ sưu tập phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn rót cho nó. Không thể nào mong đợi bộ sưu tập phản ánh hết thành tựu của nghệ thuật đương đại, trong khi nguồn vốn lại không dày dặn, nhất là với tranh của một số họa sĩ đương đại có tiếng, giá bán tranh khá cao. Các họa sĩ khi được bảo tàng ngỏ ý mua tác phẩm thường đưa ra "mức giá thiện chí" so với giá thị trường. Nhưng tôi không mong đợi nhiều ở việc phải dựa vào kinh phí nhà nước hay có một bảo tàng do nhà nước quản lý. Kinh nghiệm ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy, không nên chỉ trông đợi vào nguồn ngân sách nhà nước, bởi đó luôn chỉ là một phần nhỏ, nếu cứ trông chờ vào đó thì sẽ không bao giờ có thể bao quát hay sưu tầm được những tác phẩm tốt.
Hiện nay, ở khu vực phía Bắc nổi lên một số không gian như Đại Lải Flamigo, VCCA... Bộ sưu tập của Đại Lải Flamigo khá chất lượng, phục vụ cho khách nghỉ dưỡng tại resort. Còn VCCA là một không gian trưng bày do tập đoàn VinGroup xây dựng với những mục tiêu cụ thể. VCCA chưa có bảo tàng nhưng họ lại có không gian hỗ trợ và tổ chức một số triển lãm có chất lượng. Những tín hiệu ban đầu ấy cũng cho thấy, chính những bảo tàng do tư nhân phụ trách đang mang lại nhiều hy vọng. Họ tự bỏ tiền ra đầu tư cho nghệ thuật, trách nhiệm cũng rõ ràng hơn. Điều đó cũng được nhìn nhận thông qua chất lượng của những bộ sưu tập mà họ đã giới thiệu cho công chúng. Tôi nghĩ đây là một trong những lý do mà thời gian gần đây, mọi người ít nhắc đến việc nên có một bảo tàng mỹ thuật đương đại do Nhà nước đầu tư.
Tất nhiên, nếu chúng ta hỗ trợ họ bằng chính sách khuyến khích thích hợp thì đó sẽ là một sự động viên kịp thời. Tại nhiều quốc gia, khi các tập đoàn tư nhân hỗ trợ hoạt động nghệ thuật hay sưu tầm nghệ thuật cho cộng đồng thì họ sẽ được ưu đãi về thuế. Tại nước ta thì chưa có điều đó nên những bảo tàng tư nhân hay các tổ chức nghệ thuật tư nhân buộc phải xác định những mục tiêu cụ thể khác. Chẳng hạn, khi các công ty, tập đoàn thành lập các trung tâm triển lãm hay giới thiệu các bộ sưu tập, họ luôn có những mục tiêu cụ thể như thỏa mãn nhu cầu phát triển thương hiệu, trực tiếp đem lại doanh thu về du lịch hay gia tăng khách hàng...
Có nhiều quốc gia đầu tư rất lớn cho nghệ thuật, nhất là lĩnh vực bảo tàng. Ví dụ, tại Singapore có nhiều bảo tàng nghệ thuật như Bảo tàng National Art Gallery với các bức tranh từ trước hiện đại đến hiện đại; Bảo tàng Singapore Art Museum thì sưu tập các tác phẩm đương đại. Ngoài ra, một số bảo tàng khác thuộc sở hữu nhà nước cũng sưu tập những dòng nghệ thuật khác nhau. Đây là một quốc gia đa văn hóa, họ đầu tư với mục đích trở thành trung tâm văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Khi sang Hàn Quốc, bảo tàng khiến tôi ấn tượng lại là của tư nhân, họ cũng có những bộ sưu tập không kém phần ấn tượng so với bảo tàng quốc gia. Tại Thái Lan có bảo tàng Moka, địa chỉ ấy còn thu hút khách hơn cả những bảo tàng do nhà nước đầu tư. Vì thế, tôi nghĩ rằng, tư nhân hay nhà nước không quan trọng. Điều quan trọng là định hướng và tình yêu nghệ thuật của mỗi người.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến:
Nghệ thuật đương đại đòi hỏi những cách thức trưng bày mới
Nhắc đến nghệ thuật đương đại thì không chỉ có tranh đương đại và cũng không chỉ có một số loại hình như video art, sắp đặt, trình diễn. Thực ra, còn nhiều khuynh hướng khác của nghệ thuật đương đại như nghệ thuật tự hủy, nghệ thuật cộng đồng. Đôi khi các tác phẩm đương đại cần có không gian riêng biệt theo câu chuyện của nó, khi ở trong nhà, khi ở ngoài trời... Không gian của nó đa dạng, đòi hỏi những cách thức trưng bày mới, có những tác phẩm được trưng bày phá cách, trong container, trên trần nhà... Chính không gian ấy cũng là một phần tác phẩm. Tác phẩm đương đại đôi khi cũng có màu, mùi, ánh sáng và đa chất liệu, tùy theo cách thức thể hiện của nghệ sĩ.
Người làm nghệ thuật đương đại thường có những nhóm nhỏ, hoạt động theo tiêu chí riêng của mình. Có thể họ linh động di chuyển theo các không gian: Từ Nhà sàn Collective của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho đến các không gian văn hóa, bảo tàng, trình diễn, sắp đặt tại Bến Bạc... Bên cạnh đó, cũng có những không gian tạo điều kiện cho các nghệ sĩ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại như: Factory, VCCA, Heritage... Điều quan trọng là nghệ sĩ mong muốn được thể hiện như thế nào, trong một không gian ra sao...
Dù rất phát triển trên thế giới, nghệ thuật đương đại còn mới mẻ với rất nhiều người Việt. Thường thấy nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật đương đại là những Việt kiều hay do tự học mà nên. Nhóm nghệ thuật đương đại cũng chỉ là những nhóm nhỏ, chưa gần gũi với công chúng. Kinh tế khó khăn, nhà tài trợ ít đi, điều đó ảnh hưởng đến các tổ chức làm nghệ thuật đương đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.