(HNM) - Chiều 28-3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì họp báo công bố một số thông tin liên quan đến việc thấm nước tại đập công trình Thủy điện Sông Tranh 2.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định thời điểm này đập vẫn bảo đảm an toàn trong hoạt động và cho khu vực hạ du. Đây cũng là kết luận chính thức của Bộ Công thương cũng như Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) và các văn bản này đã được chuyển tới tỉnh Quảng Nam. Bởi vậy, nội dung cuộc họp báo chính thức lần này là một kênh thông tin chính xác để người dân hiểu và loại bỏ lo lắng.
Công nhân chuẩn bị ống nhôm để đặt vào đường hầm thu gom nước rò rỉ. Ảnh: Minh Thu |
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã bày tỏ lo lắng của chính quyền và nhân dân địa phương trước sự việc thấm nước tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 và xâu chuỗi liên hệ tới hiện tượng động đất xảy ra hồi tháng 11-2011 và đặc biệt trước tình trạng các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh chưa thống nhất nhận định, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học.
Tiến sĩ Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng mặc dù chưa có đơn vị tư vấn độc lập nhập cuộc nhưng với bất kỳ một công trình nào khi xảy ra vấn đề gì thì trách nhiệm công trình thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế. Bởi vậy, trước mắt, phải để các cơ quan này tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Đóng góp ý kiến của chuyên gia là việc làm rất tốt, tuy nhiên, theo trình tự thì nên để chủ đầu tư đưa ra phương án chính thức.
Các công trình thủy điện có ảnh hưởng đến cộng đồng rất lớn nên đều có cơ quan nhà nước kiểm tra giám sát. Ở đây, HĐNTNN và Bộ Công thương hoàn toàn độc lập với chủ đầu tư và nhà thầu nên các kết luận đưa ra sẽ hoàn toàn khách quan và chính xác. Mặt khác, HĐNTNN còn thay mặt cơ quan công quyền bảo vệ quyền lợi của dân. HĐNTNN cũng là nơi quy tụ các chuyên gia hàng đầu của nhiều lĩnh vực khác nhau với trách nhiệm bảo đảm giám sát an toàn.
Theo thiết kế của dự án, đập Sông Tranh 2 có 30 khe nhiệt phân bố đều dọc theo chiều dài đập với khoảng cách 20m/1 khe và xuyên suốt từ thượng lưu về hạ lưu. Trong đập có 3 hành lang thu nước thấm dọc theo chiều dài đập tại các cao trình 95m (hành lang 1), 124m (hành lang 2), 152m (hành lang 3). Để thu nước thấm trong thân đập, theo thiết kế đập có khoảng 327 lỗ khoan thoát nước thân đập được bố trí dọc theo chiều dài đập. Các lỗ này được khoan xuyên suốt từ đỉnh đập nối với các hành lang thu nước có bố trí sẵn ống PVC gom nước đưa tiếp vào rãnh thu phía thượng lưu. Từ đó, nước được thu gom về hố bơm dưới hành lang số 1 và bơm xả ra ngoài.
Từ kết quả kiểm tra khảo sát ban đầu tại hiện trường cho thấy nguyên nhân nước thấm qua đập và rò rỉ ra phía hạ lưu là thấm qua kết cấu chống thấm tại khe nhiệt phía thượng lưu đập (khóa omega) và một số vị trí khác. Bên cạnh đó, một số lỗ thu nước sát tấm omega và ở hành lang bị tắc. Do đó, không thu gom triệt để nước thấm về hành lang thu, khiến dòng thấm rò rỉ theo các khe nhiệt chảy ra đập hạ lưu. Mặt khác, biện pháp khoan phụt chống thấm cục bộ trong hành lang chưa phù hợp đã làm tắc dòng chảy vào hành lang thu nước dẫn đến tăng lượng thấm về hạ lưu.
Đục khoét bê tông ở một miệng hầm phía hạ lưu đập thủy điện để xử lý vết nứt. Ảnh: Minh Thu |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.