Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dập tắt mồi lửa nguy hiểm

Minh Nhật| 03/10/2011 06:44

(HNM) - Vụ Chủ tịch Ngân hàng tiết kiệm Jeil Savings (JSB) Jeong Gu-Haeng (50 tuổi) tự vẫn ngay tại trụ sở làm việc ở khu tài chính nhộn nhịp nhất thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã gây chấn động xứ sở Kim chi suốt tuần qua.

Cái chết của ông chủ JSB được cho là có liên quan tới "sự cố" khi JSB trở thành 1 trong số 7 nhà băng vừa bị chính phủ tuyên bố ngừng hoạt động trong 6 tháng vì những khoản đầu tư vô tiền khoáng hậu vào các dự án bất động sản trong nước và nước ngoài có độ rủi ro cao.

Khách hàng đồng loạt rút tiền khiến Ngân hàng Tomato Savings (TSB) lao đao.


Tỷ lệ vốn dưới mức 1%, thấp hơn rất nhiều so với giới hạn tối thiểu 5% để được phép kinh doanh, tình hình tài chính yếu kém của một số ngân hàng tiết kiệm lớn tại Hàn Quốc đã được phát hiện trong chiến dịch điều tra nhằm làm sạch hệ thống ngân hàng do Ủy ban Giám sát tài chính thực hiện đang diễn ra ở xứ sở Kim chi. Thông tin trong cuộc thanh sát đã đưa ra ánh sáng những tin tức khiến dư luận nước này hết sức lo lắng khi có tới 6 trong 7 ngân hàng, gồm cả ngân hàng lớn thứ hai Hàn Quốc Tomato Savings Bank (TSB) với tổng tài sản là 4.400 tỷ won (3,9 tỷ USD) đang có dư nợ nhiều hơn số tài sản sở hữu. Bên cạnh đó, theo quy định, nếu không thể nâng tỷ lệ đủ vốn lên trên mức 5% trong 45 ngày tới, những ngân hàng này có thể sẽ bị chào bán (!).

Ảnh hưởng tới 640.000 khách hàng với 11.300 tỷ won (9,45 tỷ USD) tiền gửi, nỗi lo sợ đã kéo những người từng bị hấp dẫn bởi những khoản lãi suất hậu hĩnh ồ ạt đến rút tiền trước nguy cơ về khả năng đóng cửa của những nhà băng danh tiếng này. Thế nhưng, sau sự kiên nhẫn xếp hàng nhiều giờ để chờ đến lượt được nhận khoản tiền của chính mình, lo lắng vẫn bao trùm khi các khách hàng chỉ được phép rút một phần trong số tiền gửi tiết kiệm và phần tiền còn lại vẫn đang lơ lửng cùng số phận của những nhà băng đang bị thua lỗ nặng nề. Tâm lý sợ hãi cũng tạo nên một hiệu ứng lan truyền khiến có đến 36 triệu USD tiền gửi đồng loạt bị rút khỏi 91 ngân hàng vẫn đang hoạt động tốt của Hàn Quốc chỉ trong vài ngày qua. Tình trạng đáng ngại này dù đã chậm lại nhưng có một thực tế là kiểu kinh doanh thu hút tiền gửi của khách bằng lãi suất huy động cao; đồng thời cũng cung cấp các khoản cho vay lãi suất cao tương ứng cho những khách hàng khó tiếp cận dịch vụ của những ngân hàng chủ chốt đã khiến nhiều ngân hàng Hàn Quốc tồn đọng nhiều nợ xấu đang gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính nước này.

Bài học từ việc phóng tay cho vay của những ngân hàng chủ chốt trở thành tác nhân quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến Seoul quyết tâm tiến hành chiến dịch thanh, kiểm tra nhằm ngăn chặn xu hướng có thể phá vỡ sự phục hồi còn mong manh của nền kinh tế; đồng thời giữ lại niềm tin của người dân đang tỏ ra thất vọng vào sự an toàn của hệ thống tín dụng nước nhà. Vấn đề càng trở nên quan trọng khi các ngân hàng tiết kiệm dù chỉ chiếm 2% tổng tài sản của hệ thống tài chính nhưng khách hàng của họ chủ yếu lại là những người về hưu và gia đình nhỏ với các khoản tiền tiết kiệm của cả đời họ.

Thế nhưng, dù đã kiên quyết đóng cửa tới 16 ngân hàng thiếu khả năng thanh khoản từ đầu năm đến nay, trong đó có Busan, ngân hàng tiết kiệm lớn nhất Hàn Quốc nhưng các vụ tham nhũng trong ngành này đang ảnh hưởng tới các nỗ lực gây dựng hình ảnh về một hệ thống ngân hàng minh bạch mạnh mẽ hơn. Tuyên bố sẽ trừng phạt thích đáng các hành động không phù hợp của những cá nhân đã cố tình phớt lờ các vấn đề của nhiều nhà băng thời gian qua để đổi lấy các khoản hối lộ nhiều chục nghìn USD cũng là một dấu hiệu nữa khẳng định Hàn Quốc sẽ xử lý triệt để những tiêu cực tồn tại lâu nay nhằm dập tắt mồi lửa có thể thổi bùng thành đám cháy lớn trong hệ thống tài chính, phần cấu thành cực kỳ quan trọng của nền kinh tế xứ Kim chi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dập tắt mồi lửa nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.