Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo sáng tác âm nhạc: “Cỗ xe” cũ kỹ

An Nhi| 12/10/2014 06:29

(HNM) -

Học một đàng làm một nẻo

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu nhận định: "Có một thực tế ở Việt Nam là ca nhạc giải trí đang lấn át nhạc chính thống, còn trong âm nhạc chính thống thì thanh nhạc lại lấn lướt khí nhạc. Nhưng để hòa nhập vào cộng đồng âm nhạc chính thống quốc tế, tiếng nói đại diện cho dân tộc Việt lại không thuộc về thanh nhạc hay những bài hát yêu thích, những ca khúc thuộc hàng "top", "hit" mà là khí nhạc với "ngôn ngữ không cần phiên dịch", là những tác phẩm quy mô lớn còn xa lạ với công chúng Việt Nam".

Đào tạo sáng tác âm nhạc một cách bài bản là việc làm cần thiết của nền âm nhạc nước nhà.


Về điều này, ngành đào tạo sáng tác âm nhạc của ta đã đi đúng hướng. Các trường nhạc, nhất là bậc đại học và sau đại học chủ yếu là đào tạo sáng tác khí nhạc. Nhưng về hiệu quả, với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, PGS - Nhạc sĩ Vĩnh Cát cho rằng, đào tạo sáng tác hiện nay đang ở dạng "học một đàng, làm một nẻo". Học sinh, sinh viên (HSSV) khó nhọc "đi" tới ngày tốt nghiệp bằng một tác phẩm giao hưởng rồi ra trường chấm dứt hẳn, quay sang sáng tác thanh nhạc. Cũng bởi, ở ta xưa nay đa số công chúng chỉ thích ca hát và coi khí nhạc là phần đệm, dẫn dắt, phụ họa - khác hẳn với tư duy âm nhạc của hầu hết các nước trên thế giới. Cũng không thể trách các nhạc sĩ sống trong cơ chế thị trường, phải đáp ứng những gì công chúng cần thì mới có cả tiếng và tiền bạc. Trong khi sáng tác khí nhạc khó ứng dụng, không có điều kiện trình diễn, ngay cả với tác phẩm của những nhạc sĩ kỳ cựu, danh tiếng, tác phẩm của những người đào tạo ngành cũng còn khó "có đất". Vậy nên, rất dễ hiểu vì sao nhiều HSSV ngành sáng tác chỉ học để lấy bằng, để... làm việc khác.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng còn nêu nhiều chuyện "bếp núc" trong giảng dạy sáng tác để rõ hơn về những vấn đề đã nêu ở trên. Ví như ở nhiều môn học, giáo viên phải hạ thấp độ khó của giáo trình cho phù hợp với mặt bằng chung của lớp. Thế nên nhiều người được đào tạo sáng tác, có bằng nhưng không đáp ứng được yêu cầu thực tế đã chuyển sang ca hát, chơi nhạc. Còn một thực tế "lạ" hơn, đó là không ít HSSV không thể đàn hát tốt thì chuyển sang học sáng tác vì chương trình thi vào các hệ sáng tác hiện nay khá dễ. Nhiều nhạc sĩ còn chỉ ra một điều là các thầy thường chỉ giảng dạy kiến thức nhạc lý và kỹ năng sáng tác với các giáo trình mang tính chuyên môn và có quá ít thời lượng cho việc bồi dưỡng, rèn luyện, tạo điều kiện để người học nắm bắt, hiểu biết về cuộc sống. Thế nên khi ra trường, HSSV thiếu phản xạ với cuộc sống, thiếu mạnh dạn bước vào sự kiện dữ dội - thứ tạo cảm hứng cho người nhạc sĩ… Nên, trách sao được việc các sáng tác ngày nay chỉ loanh quanh những chuyện vụn vặt.

Đổi mới "cỗ xe" cũ kỹ

"70 năm kể từ khi được đưa vào giảng dạy ở nước ta, cụ thể là ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đào tạo sáng tác âm nhạc vẫn giậm chân tại chỗ với những kiến thức âm nhạc từ ngày đầu", nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng thẳng thắn nhận định. Bởi "cỗ xe" cũ kỹ của nhà trường lâu nay vẫn dùng cách truyền đạt lỗi thời, lặp lại nội dung, ít thấy cập nhật tri thức mới từ thực tiễn âm nhạc thế giới. Thậm chí nhiều môn học được đưa đến HSSV vẫn là những kiến thức từ sách dịch của Nga hoặc Đông Âu trong khoảng thời gian thế chiến thứ hai. Bởi vậy, nhà trường - nơi đào tạo ngành sáng tác cần phải thay "cỗ xe" cũ kỹ chở HSSV đến đích - sáng tác những tác phẩm chất lượng.

Theo nhạc sĩ Vĩnh Cát, cần điều chỉnh lại mục tiêu đào tạo sáng tác sát với nhu cầu thực tế ngày nay theo kiểu hình tháp. Càng lên cao thì càng chọn tinh, khắt khe hơn, với tiêu chí phải là người thật sự có tài năng, lòng say mê, hoài bão theo đuổi và phát triển nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Nhà trường và cả Nhà nước cần xác định đối tượng đào tạo bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ sáng tác âm nhạc là những người sẽ xây dựng và đưa nền âm nhạc Việt Nam tiến ra thế giới. Bởi vậy, lẽ dĩ nhiên "cỗ xe" đào tạo đối tượng này phải được đầu tư nhiều nhất.

Mặt khác, với những ngành đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng, nhà trường nên mở rộng đào tạo ở trình độ sơ cấp, trung cấp. Ví dụ, đào tạo sáng tác ca khúc thuộc các thể loại thịnh hành: Jazz, pop, rock, R&B, hip-hop; đào tạo nhạc sĩ phối khí; đào tạo người viết nhạc phim; hay đào tạo ngành viết nhạc cho các trò chơi... Yếu tố không kém phần quan trọng trong "cỗ xe" đào tạo cần được đổi mới gấp là những người thầy. Họ trước tiên phải là người liên tục sáng tác, có những tác phẩm âm nhạc tiêu biểu, đã được công nhận. Hơn nữa, các thầy cũng cần nghiên cứu, cập nhật cái mới và sẵn lòng cùng học trò lao vào cuộc kiếm tìm, sáng tạo nghệ thuật âm nhạc mới.

Hy vọng, với nhiều sự "vỡ" ra ấy, ngành đào tạo sáng tác âm nhạc có những bước chuyển tích cực, thu hẹp được khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới, để Việt Nam có những nhạc sĩ được đào tạo trong nước có tác phẩm xứng tầm, đưa âm nhạc Việt Nam đến những chân trời mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo sáng tác âm nhạc: “Cỗ xe” cũ kỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.