(HNM) - Trong hai năm gần đây, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên đã được các cấp bộ đoàn quan tâm thực hiện, trọng tâm là tổ chức thực hiện đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015" (đề án 103). Đây có thể coi là điểm nhấn trong hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng ở các địa phương.
Vai trò cầu nối
Được triển khai từ tháng 1-2009, với mục tiêu tư vấn, hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên… Ban điều hành đề án 103 đã tập trung xây dựng "5 điểm nhấn" có tính chất quyết định, đó là truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp; tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; đầu tư xây dựng 10 trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm; giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề, tạo việc làm cho thanh niên và xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích học nghề, tạo việc làm cho mọi đối tượng, trong đó tập trung vào thanh niên.
Tư vấn, hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. |
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư TƯ Đoàn, Phó Trưởng ban điều hành đề án 103 cho biết: Năm 2010 có thể khẳng định là năm đánh dấu sự chuyển động mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo thực hiện đề án 103 tại các tỉnh, thành đoàn. Tính đến tháng 9-2010 đã có 43/63 tỉnh, thành đoàn thành lập ban điều hành đề án 103 và xây dựng kế hoạch thực hiện. Đặc biệt, sau khi có công văn chỉ đạo số 4017/VPCP-TH ngày 11-6-2010 của Văn phòng Chính phủ về tạo cơ chế thuận lợi cho các tỉnh, thành đoàn triển khai thực hiện đề án, một số tỉnh, thành đoàn như Nghệ An, Đăk Nông, Cà Mau, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh... đã tranh thủ được nguồn ngân sách địa phương, triển khai các nội dung của đề án. Chính vì vậy, năm 2010, nhiều hoạt động tư vấn: hướng nghiệp, việc làm, vay vốn… được tổ chức ở các trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) thanh niên các tỉnh, thành đoàn với 41.000 lượt người được tư vấn nghề nghiệp, 181.500 lượt người được giới thiệu việc làm và 57.560 lao động trẻ tìm việc làm phù hợp với trình độ, năng lực cũng như sở trường.
Không chỉ phối hợp tổ chức các ngày hội tư vấn nghề nghiệp, các phiên giao dịch việc làm, ban điều hành đề án 103 còn in và phát hành miễn phí trong cả nước bản tin "Học nghề - Lập nghiệp" như một tài liệu sinh hoạt định kỳ về nghề nghiệp, việc làm cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở, các trường THPT. Tính đến tháng 10-2010, Bản tin đã được phát hành 12 kỳ với số lượng là 15.500 bản/kỳ; 28.000 áp phích tuyên truyền về học nghề, lập nghiệp đến 63 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc. Tới đây ban điều hành đề án sẽ phối hợp với Nhà xuất bản Thanh niên biên soạn "Sổ tay cán bộ đoàn cơ sở về nghề nghiệp và việc làm" (dự kiến trong tháng 12-2010). Thông qua các hoạt động truyền thông, tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên trao đổi trực tiếp với đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp, việc làm, qua đó góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên và xã hội về nghề nghiệp và việc làm, bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực và đem lại hiệu quả thiết thực.
…và hướng nghiệp
Nằm trong khuôn khổ đề án 103, TƯ Đoàn đã và đang xây dựng 10 Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm của đoàn thanh niên ở 10 tỉnh, thành phố trọng điểm: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình, Cần Thơ, Tiền Giang, Khánh Hòa, Gia Lai. Đến nay, ban chỉ đạo điều hành đề án 103 đã phối hợp với các tỉnh, hoàn thành việc xây dựng Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và GTVL thanh niên tại Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh, đang đầu tư trang thiết bị máy móc, bố trí bộ máy nhân sự để sớm đi vào hoạt động. Các trung tâm tại tỉnh Cần Thơ, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tiền Giang đã khởi công xây dựng và đang cơ bản hoàn thiện các hạng mục công trình chính của dự án.
Đối với địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Bí thư TƯ Đoàn đã duyệt dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và GTVL thanh niên Hà Nội tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh - Hà Nội. Công trình được thiết kế 5 tầng với khối nhà làm việc, tư vấn GTVL, hội trường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, khu nhà học lý thuyết. Đặc biệt, có nhà ký túc xá, căng tin phục vụ học viên ở xa, tham gia khóa đào tạo dài ngày…
Chị Nguyễn Ngọc Trinh, Phó giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên Hà Nội - đơn vị được thụ hưởng dự án cho biết: Công trình có vốn đầu tư 105,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách TƯ gồm 40 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP Hà Nội. Đây là công trình kiểu mẫu của Đoàn thanh niên TP Hà Nội, triển khai giai đoạn 2011-2013; hoàn thành công trình sẽ góp phần nâng cao hơn nữa công tác hướng nghiệp, dạy nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên Thủ đô và khu vực lân cận.
Theo thống kê của T.Ư Đoàn, cả nước hiện vẫn còn 5% thanh niên chưa có việc làm. Vì vậy, mục tiêu của đề án 103 là phấn đấu 100% thanh niên được tư vấn nghề và có việc làm. Để hoàn thành mục tiêu trên, ban điều hành đề án 103 sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ, đôn đốc và kiểm tra các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố sớm triển khai và thực hiện có hiệu quả các nội dung, chương trình của đề án 103. Ban Bí thư TƯ Đoàn sẽ tập trung chỉ đạo 15 tỉnh, thành đoàn thành lập thí điểm câu lạc bộ "Bí thư đoàn trường THPT trong công tác hướng nghiệp", câu lạc bộ "Tuyên truyền viên, tư vấn viên về nghề nghiệp, việc làm"; đẩy mạnh khai thác và xây dựng các mô hình hỗ trợ thanh niên trong khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp tại địa phương như: "Quỹ khởi sự doanh nghiệp", "Cà phê khởi nghiệp", "Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi". Đồng thời tăng cường mở các lớp tập huấn kinh nghiệm, khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên đối với đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.