(HNM) - Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống đào tạo nghề đứng trước yêu cầu phải thay đổi phương pháp, đưa công nghệ mới vào giảng dạy các kỹ năng nghề nghiệp.
Hệ thống đào tạo nghề cần thay đổi phương pháp, đưa công nghệ mới vào giảng dạy nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.Ảnh: Viết Thành |
Ứng dụng công nghệ trong dạy nghề
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, từ 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, bên cạnh vai trò hàng đầu của hạ tầng công nghệ thông tin, trụ cột quan trọng khác của Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, thay đổi chương trình đào tạo nghề, đào tạo đại học, sau đại học. Chỉ thị nêu rõ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nghề. Nhận thức rõ được vấn đề này, thời gian gần đây, nhiều viện, trường và các cơ sở đào tạo nghề trong cả nước đã có những thay đổi trong phương pháp đào tạo nghề truyền thống với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ. Hà Nội là địa phương có nhiều trường nghề nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này.
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước (Quyết định QĐ/TTg số 761 ngày 23-5-2014). Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để tiếp cận các doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường đã chủ động đầu tư về thiết bị và đào tạo nhân lực các lĩnh vực tự động hóa với 3 nghề điện công nghiệp, cơ điện tử và cơ khí. Đến thời điểm này, trường có tất cả các ngành nghề trọng điểm với nhiều công nghệ hiện đại như in 3D, dây chuyền công nghiệp hóa, trung tâm gia công tự động…, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng học tập và thực hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Không chỉ các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề, mà các viện nghiên cứu cũng có những bước chuyển mình đáng kể. Tiến sĩ Đỗ Trần Thắng, Trưởng phòng Cơ điện tử, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: Viện có sự kết hợp chặt chẽ với các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội… trong khâu đào tạo nghề, đồng thời tận dụng nguồn lao động là đối tượng sinh viên trong các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm mẫu, giúp bồi dưỡng, phát triển các kỹ năng của sinh viên.
Một trong những sản phẩm đó là cánh tay robot 6 bậc tự do SM6, có khả năng thay thế cánh tay người trong hoạt động sản xuất. Ngoài ra, Tiến sĩ Đỗ Trần Thắng và các cộng sự còn nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều loại robot di động khác nhằm phục vụ cho hoạt động đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực cơ điện tử. Nhờ nắm vững lý thuyết và được thực hành một cách bài bản, nhiều sinh viên khi ra trường, bắt đầu công việc tại các doanh nghiệp đã không cảm thấy bỡ ngỡ, có thể bắt tay ngay vào việc đúng với chuyên môn.
Đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội hiện đại
Xác định yếu tố then chốt để phát triển chính là con người, Trường Cao đẳng Điện lạnh Hà Nội cho biết đã đưa giáo viên sang Bỉ để đào tạo làm hạt nhân. Sau khi các giáo viên đó được công nhận là giảng viên toàn cầu thì trường sẽ thành lập Trung tâm đào tạo Nhà thông minh tiêu chuẩn KNX (tiêu chuẩn quốc tế dành cho hệ thống quản lý, điều khiển tòa nhà thông minh) để đào tạo lại cho giáo viên trong trường. Tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, Hiệu trưởng Đào Công Hải cũng cho biết: Bên cạnh những chương trình đào tạo trong nước theo chuẩn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, nhà trường đã liên kết với các dự án quốc tế để bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên. Hiện nhiều giáo viên của trường đã và đang được đào tạo tại Hàn Quốc, Phần Lan và Australia.
Đưa sinh viên vào doanh nghiệp để đào tạo là một trong những mô hình mới được Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội áp dụng. Theo đó, nhà trường và doanh nghiệp phối hợp xây dựng chương trình phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường, phù hợp với máy móc thiết bị công nghệ của doanh nghiệp. Sau đó hai bên xây dựng chương trình ngắn hạn, từ 1 đến 3 tháng, thành modun môn học và đưa sinh viên vào cho doanh nghiệp đào tạo. Nhờ đó, sinh viên ra trường có thể đáp ứng được ngay nhu cầu của doanh nghiệp. Theo Hiệu trưởng Đào Công Hải, để tiếp cận được với Cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi sinh viên trường nghề phải chuẩn bị cho mình nhiều kỹ năng, trong đó quan trọng nhất là sử dụng được ngoại ngữ, nhạy bén về văn hóa, có tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng…
Để thay đổi phương thức đào tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những khó khăn mà các trường nghề hiện nay gặp phải là chi phí đầu tư cho công nghệ khá cao, trong khi cơ sở hạ tầng của nhiều trường còn lạc hậu và không đồng bộ. Ông Đồng Văn Ngọc cho rằng, Nhà nước cần có quy hoạch mạng lưới và đầu tư cho các trường đặt ở các trung tâm kinh tế mạnh. Ngoài việc chờ đợi cơ chế chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân mỗi trường cần chủ động có hướng phát triển phù hợp. Quan trọng nhất là trường phải có được sự đồng thuận, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, quản trị được các rủi ro trong hành trình phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.