(HNMO) - Thông tin này được công bố tại hội nghị đánh giá 7 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật theo Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5-8-2012.
Hội nghị do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức ngày 6-12, tại Hà Nội.
Sau học nghề, hơn 90% lao động là người khuyết tật đã có việc làm, nỗ lực hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật được đào tạo nghề thông qua các cấp Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi cũng như qua các chương trình, dự án khác chưa nhiều.
Đến thời điểm này, cả nước mới có khoảng 40% số người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu, khả năng học nghề đã qua đào tạo nghề. Nghề được đào tạo phổ biến gồm chăm sóc sắc đẹp, chế biến món ăn, tin học, mây tre đan, may công nghiệp, tẩm quất… đã tương đối bão hòa trên thị trường lao động, nên chất lượng của việc làm không cao.
Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho hoạt động đào tạo nghề còn hạn chế. Công tác tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách chưa được triển khai sâu rộng, khiến một bộ phận người khuyết tật và gia đình chưa chủ động tham gia học nghề. Nội dung, chương trình dạy nghề cho người khuyết tật chưa phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng, đặc thù của từng dạng tật nên chất lượng, hiệu quả chưa cao…
Để khắc phục những bất cập trên, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật. Cùng với đó, các ngành, địa phương lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật vào chiến lược phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.