(HNM) - Đào tạo nghề chất lượng cao là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ...
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Cơ sở vật chất lạc hậu
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng 3 trường cao đẳng nghề công lập trở thành trường chất lượng cao, đó là: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Hà Nội. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường, các trường tập trung đào tạo một số nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế như: Công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cơ điện tử, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, thiết kế đồ họa… Cùng với cơ sở vật chất, TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đã quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nhờ đó, đa số người qua đào tạo nghề tìm được việc làm phù hợp.
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được cũng như các mô hình hiệu quả như vừa nêu, song công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước. Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở Hà Nội mới đạt gần 40% và phân bố không đều giữa các địa phương. Lao động có trình độ tay nghề cao đang thiếu ở nhiều ngành, lĩnh vực. Nguyên nhân khiến công tác đào tạo nghề chưa có sự bứt phá là do chậm đổi mới từ nhiều phía. Ngay cả nơi được coi là hiệu quả cũng có những bất cập trì néo.
Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, cơ sở vật chất của nhà trường đang xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2011 đến nay, trường nhiều lần có văn bản trình các cơ quan chức năng xin được sửa chữa, chống xuống cấp một số hạng mục, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Việc hỗ trợ ngân sách mua sắm trang thiết bị cho các nghề mới cũng chưa theo kịp nhu cầu… “Để hình thành các trường nghề chất lượng cao, tất yếu phải có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hoàn chỉnh, trang thiết bị máy móc hiện đại và chương trình giảng dạy theo kịp sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Trên thực tế, đa số trường nghề còn thiếu những yếu tố này” - ông Phạm Xuân Khánh khẳng định.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó tuyển sinh đầu vào do việc phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề chưa được triển khai cụ thể; bản thân người học và xã hội chưa coi trọng việc học nghề. Đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa được quan tâm đúng mức cả về trình độ chuyên môn và các chế độ đãi ngộ. Mối liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp còn lỏng lẻo…
Thực tế đó đòi hỏi TP Hà Nội, các ngành chức năng và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có giải pháp cụ thể, khả thi hơn trong công tác đào tạo nghề chất lượng cao.
Đào tạo theo nhu cầu
Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Ảnh: Lê Tuấn |
Theo ông Phạm Xuân Khánh, cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, TP Hà Nội nên có chính sách thu hút giáo viên giỏi vào các trường nghề trọng điểm; khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, cũng nên có cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các ngành chức năng xây dựng, giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho từng ngành, nghề, cơ sở đào tạo; tránh tình trạng đào tạo không phù hợp với nhu cầu sử dụng, gây lãng phí. Trong quá trình đào tạo, sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là cần thiết, song chúng ta cũng cần có văn bản quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với việc dạy nghề, tạo điều kiện cho hai bên phối hợp lâu dài, bền vững.
Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép trường nghề chủ động tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để bù vào số học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng. Ngành Giáo dục - Đào tạo và ngành Lao động - Thương binh - Xã hội nên có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyển sinh, định hướng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề…
Đại diện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập cho rằng, thương hiệu, uy tín của cơ sở dạy nghề được đánh giá thông qua tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, mang lại thu nhập ổn định. Do đó, giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng đào tạo là các trường nghề phát huy sức mạnh nội lực, tổ chức đào tạo theo sát nhu cầu của thị trường. Quan điểm này phù hợp với định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của TP Hà Nội. Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội cho biết, “Đề án rà soát, sắp xếp nâng cao chất lượng đào tạo nghề các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” đã được Sở soạn thảo, xây dựng, trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt. Theo dự thảo đề án, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo. Những đơn vị hoạt động kém hiệu quả sẽ giải thể hoặc sáp nhập.
Qua đó có thể thấy, hiệu quả của việc đào tạo nghề chất lượng cao phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực đầu tư. Nguồn lực đầu tư cho các cơ sở dạy nghề không chỉ là kinh phí từ ngân sách, mà bao gồm nhiều yếu tố khác, trong đó có sự tự chủ, sáng tạo của nhà trường, sự nỗ lực của giáo viên, sự quyết tâm của học sinh, sinh viên, sự đồng hành, phối hợp của doanh nghiệp…
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 371 đơn vị trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 108 đơn vị do thành phố quản lý. Trung bình mỗi năm, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo khoảng 150.000 - 180.000 lượt người. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.