Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo khoa học cơ bản: Chất cần hơn lượng

Khánh Vũ| 12/05/2015 07:26

(HNM) - Vào mùa tuyển sinh, những ngành khoa học cơ bản, cũng là những ngành khó tuyển sinh nhất, là nỗi băn khoăn của nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) cũng như của không ít sinh viên khi phải cân nhắc lựa chọn ngành học.

Sinh viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội làm thí nghiệm tại phòng sinh học phân tử. Ảnh: Bích Ngọc


Khó học, khó tuyển

Để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên theo học một số ngành thiếu sức hút đối với sinh viên hiện nay, Chính phủ đã có quy định về việc miễn, giảm học phí cho người theo học các ngành này. Theo đó, sinh viên được miễn học phí khi theo học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần. Các chuyên ngành được giảm 70% học phí là nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc cũng như một số ngành học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đặc biệt, mới đây, theo một thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính, người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hệ chính quy trình độ cao đẳng (CĐ), ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo, có cam kết chịu sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan liên quan... sẽ được nhận chế độ ưu đãi. Cụ thể, người học sẽ được miễn học phí, ở ký túc xá miễn phí và nhận thêm sinh hoạt phí. Sinh viên CĐ học lực giỏi được cấp sinh hoạt phí hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở, học lực khá được 1 lần mức lương cơ sở. Các mức này với sinh viên ĐH là 2,5 lần và 1,5 lần. Học viên cao học, nghiên cứu sinh được giữ nguyên lương trong thời gian đào tạo và được cấp sinh hoạt phí hằng tháng bằng 3,5 lần mức lương cơ sở.

Tuy nhiên, ngoài các ngành nói trên, còn nhiều lĩnh vực đào tạo rất cần thiết cho xã hội nhưng chưa được hỗ trợ thích đáng nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo, đó là các ngành khoa học cơ bản. Không chỉ khó với sinh viên, các ngành khoa học cơ bản còn mang nhiều thách thức với các nhà đào tạo bởi tính chất khó khăn của các nghiên cứu khoa học cơ bản, trình độ của đội ngũ giảng viên. Theo nhận định của Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Văn Kim: Các ngành có tính ứng dụng cao luôn thu hút được nhiều thí sinh giỏi và chính điều này làm giảm sút nguồn thí sinh có chất lượng cao vào các ngành khoa học cơ bản. Ngoài ra, vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản chủ yếu trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ sở nghiên cứu của khu vực công nên thu nhập không cao, lộ trình nghề nghiệp tương đối dài, cần nhiều thời gian để thăng tiến và tăng thu nhập. Sự thiếu hụt thông tin trong xã hội, trong danh mục tuyển dụng của các cơ quan cũng tác động tới cơ hội việc làm của sinh viên. Đáng lưu ý là, mặc dù theo học khoa học cơ bản nhưng trong hoạt động học tập của sinh viên cũng như hoạt động nghề nghiệp sau này vẫn có những vị trí mang tính ứng dụng. Vì vậy, một bộ phận sinh viên chú tâm hơn đến các môn học hướng ứng dụng, tổng hợp. Thực tiễn này là thách thức lớn nhất bởi cho dù có nguồn lực giảng dạy tốt thì khuynh hướng nghề nghiệp của sinh viên lại quyết định rất nhiều đến nguồn nhân lực khoa học cơ bản trong tương lai của ngành và của cộng đồng xã hội.

Không chỉ vì mục tiêu tăng thí sinh

Để lấp đi phần nào khoảng trống cho các ngành này, có trường đã đưa ra các chính sách ưu đãi riêng. ĐH Quốc gia Hà Nội từ vài năm trở lại đây đã được đầu tư kinh phí để thực hiện đề án Áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản gồm 14 ngành học. Trong số ngành này có 8 ngành KHTN là: Địa lý tự nhiên, kỹ thuật địa chất, quản lý tài nguyên và môi trường, khoa học đất, hải dương học, thủy văn học, khoa học vật liệu, máy tính và khoa học thông tin. 6 ngành KHXH được hỗ trợ gồm triết học, lịch sử, văn học, Hán Nôm, nhân học, Việt Nam học. Học kỳ 1 của năm thứ nhất, sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập bằng mức học phí của trường. Từ học kỳ 2 trở đi, mức hỗ trợ này cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào kết quả học tập của sinh viên.

Tuy nhiên, mặc dù nhiều sinh viên đã phần nào giảm bớt khó khăn khi được hỗ trợ một phần kinh phí và được đầu tư thêm tư liệu học tập, nghiên cứu, nhưng mức kinh phí hỗ trợ vẫn còn quá ít, chưa bằng mức phí mà sinh viên phải đóng. Hỗ trợ cũng mới chỉ tới được với các em có thành tích học tập tốt. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ không đáng kể. Vì vậy, có ý kiến cho rằng cán bộ giảng dạy ngành khoa học cơ bản nên được hưởng phụ cấp 45% lương như đang thực hiện với các ngành Mác - Lênin.

Theo ghi nhận của một trường, sau năm đầu tiên có chính sách hỗ trợ, lượng thí sinh đăng ký đã tăng khoảng 20%. Song, điều quan trọng hơn mà các chuyên gia đào tạo xác định là: Sinh viên ra trường có đáp ứng được yêu cầu của công việc và của nhà tuyển dụng hay không. Với mục tiêu này, các trường đào tạo ngành khoa học cơ bản đưa ra nhiều kiến nghị. Trong đó, các cơ quan hữu trách cần có đặt hàng cụ thể về nhân lực khoa học cơ bản cần bổ sung. Làm được như vậy thì ngay từ khâu tuyển sinh, yếu tố nghề nghiệp đã là tiêu chí để xem xét chọn người học, đồng thời tạo động lực cho sinh viên. Trong đào tạo, các trường cần có cơ chế, công cụ để đánh giá năng lực, thiên hướng của người học để có thể phân nhóm người học, xác định họ có tố chất đi vào nghiên cứu chuyên sâu hay không, qua đó xác định hướng đầu tư hiệu quả ngay từ bậc ĐH. Đầu tư kinh phí cho cán bộ cũng cần mức cao gấp 3 lần theo quy định hiện hành của Nhà nước để khuyến khích việc biên soạn giáo trình có chất lượng cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo khoa học cơ bản: Chất cần hơn lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.