Sốp Cộp mới tách khỏi huyện Sông Mã vài năm nay. Đường vào từ Sơn La rất ngoằn ngoèo, có hơn trăm cây mà xe khách chạy mất sáu tiếng để đến được huyện lỵ Sông Mã, rồi chọn giờ tinh mơ bắt xe ôm đi thêm hơn 30 cây nữa.
Ảnh: Bảo Lâm
Người Sốp Cộp có “niềm tự hào” là có phố huyện (chưa được gọi là “thị trấn”) duy nhất của Việt Nam không có đường nhựa, thua hẳn Mường Tè trên Lai Châu. Ngày trước xe khách có lăn vào đây dù lúc liền lúc đứt, nhưng từ khi đường liên huyện 105 làmdọc suối Nậm Công thì chịu. Mìn phá đá, xe ủi, gầu xúc suốt ngày, dũi hàng nửa quả núi xuống vực mà đất đá không lăn được xuống mép nước. Xung quanh ngã ba có tấm biển “Điểm đỗ xe” chi chít những chú xe ôm người Tháibắt khách trên chiếc Uyn, Min khơ đã “thành kỉ niệm”, bởi ăn xăng tàn bạo quá.
Nghe nói chủ tịch tỉnh hứa cho huyện 4 km đường nhựa. Lại nghe nói đường ra Sông Mã xong trong năm nay. Chả mấy ai để ý lắm, trừ mấy ông cán bộ, vốn rất khổ vì đi họp tỉnh hay ra Sông Mã thăm vợ con. Vả lại Sốp Cộp có mấy sản phẩm để trao đổi với ngoài ấy ngoài những tê tê, ba ba, nhím hoẵng vặt của rừng cung cấp cho hàng đặc sản. “Sản phẩm hàng hóa” gần như duy nhất là măng bát độ, giống Đài Loan, thì mọc đến đâu ăn hết ngay đến đấy. Thành thử huyện mới mà cứ như hòn đảo, trông những ông lỗ mũi đen xì, mệt nhọc, biết ngay khách mới vào.
Thế mà có hẳn một con phố toàn người xuôi lên, đa phần là dân Hưng Yên, một ít Thanh Hóa, một ít Hà Tây.Tấpnậpnhữngmáybơm, máy phát điện nước Trung Quốc loại 1 kw, quần áo kiểu miền xuôi (chưa có mống du lịch nào để buôn thổ cẩm Thái và chân váy Lào). Vài ba phản thịt bán một ngày bảy tám tạ lợn hơi. Bàn thịt trâu duy nhất, ngày một con, bên những tảng đùi, sườn tươi rói là thùng cao su đựng một thứ nước lờ lợ, để về làm nậm pịa, thức chấm ưa thích của người Thái. Hàngthịt chó mở cả tháng, kể cả mồng một. Con phố lầm bụidường như mềm đi với những chị tằng cẩu cặm cụi cắt kén bán nhộng, những bé gái lơ vơ chào khách mớ rau 500 đồng, trông quắt queo mà hẳn là chả bị thuốc men. áo cóm ôm eo thon, thắt lưng ngũ sắc quấn váy, họ gợi nhớ đến bài hát Chiếc khăn piêu tình tứ, câu thơ Lò Ngân Sủn đồi núi quê ta đẹp như bầu vúđàn bà.
*
Trong tiếng Thái, “Sốp” (có người đọc “xốc”) làcái mồm, “Cộp” là gặp nhau. Hai dòng Nậm Lạnh, Nậm Ca từ Lào sang gặp dòng Nậm Van từ Điện Biên về ở đây, bèn đổ cả vào Nậm Công hung dữ ra sông Mã. “Con ngựa nước” không chịu xuôi ngay, vòng vèo sang Lào rồi mới lạiquay về Thanh Hóa ra biển. Ngã ba suối có dòng ấm, dòng lạnh buốt, cá tụ lại nhiều vô kể,chó cứ đứng trên bờ mà sủa khan. Có cữ khách đông, người ta chặn dòng tát, bắt không hết, cá chết thối một vùng. Nhưng chuyện ấy xưa rồi. Núi không còn tóc, độ che phủ có lúc xuống đến 7%, suối đâu còn nước mà ra cá.
Lẩu lầu lâu, tổng Sốp Cộp bao la, khó quản quá nên tách ra. Mường Luân, mường Lói, mường Lèo “theo” huyện Điện Biên Đông bên tỉnh Điện Biên, mường Và, mường Lạng, mường Sốp Cộp “ở lại”. Cho đến giờ, khi đường ra Sông Mã còn quá thách đố, nẻo sang Điện Biên Đông vẫn thông hơn, giao dịch hàng hóa, họ tộc, các ảnh hưởng với bên ấy vẫn rậm rịt lắm. Theo một thống kê không chính thức, cách đây ba năm huyện có gần 3000 người Lào, tập trung ở mường Và, mường Lạng. Đông nhất là Thái, cỡ 2 vạn. ở cao hơn một chút là gần 3000 người Khơ Mú, nhưng vẫn cấy lúa nước, lưng chừng giời có quãng 6.500 người Mông, hoàn toàn trồng lúa nương, trao đổi với bên ngoài bằng “đặc sản” thảo quả, thuốc phiện. Dân Kinh tập trung dày đặc ở phố huyện, từ 1% tăng lên nhanh chóng,gốc chả Phố Hiến thì cũng “oai oái xin cơm”. Thế hệ đầu tiên lên đây từ Hưng Yên những năm sáu mươi thế kỉ trước, nhiều người nằm trong quang gánh bố mẹ, đa phần đã “lui về tuyến sau” hoặc khuất núi. Con cái họ hay “làm cán bộ”, khác hẳn khoảnh Hà Tây ưa kiếm tiền, hăng hái làm ăn. Nhưng đã là anh dưới xuôi lên, ai cũng lo đường học hành cho con, nhiều người gửi về cho theo trường dưới quê “chứ trên này chỉ có kin mắn co (ăn sắn) thôi”.
*
Khái niệm “tiếp biến văn hóa” trong thời buổi thông tin, giao lưu ồ ạt ngày càng trở nên đáng ngắm nghía. Những Thái hóa, Tày hóa trên lưng núi, xuống đến chỗ lúa nước mọc thành ra Kinh hóa, ra đồng bằng thành đô thị hóa, rồi phố xá hóa ra Âu Mỹ hóa. Làm giàu bản sắc cho một địa phương, là một chuyện. Nhưng lắm khi, nó lại sinh ra trớ trêu khi các “bản thể” cọ xát, hòa trộn. Những anh miền xuôi nói ngọng lên vùng dân tộc Lào cứ gọi mường Nạn, mường Nuân, mường Nói, để có lúc nó vào cả văn bản nhà chức trách. Sơn La nghĩa là gì? Có người giải thích thô thiển là “núi bao la mênh mông”, chả chịu tìm hiểu đây là đất gốc Mường La, mường có rừng lựu. Chữ “Sơn” là vơ từ tiếng xuôi vào. Nhà nghiên cứu Hoàng Văn Nghịch, người soạn từ điển Thái – Việt dấm dứt: “Sao không đặt những đường Chiềng An (nơi có dân), Chiềng Cằm (nơi có vàng), trong khi đi trên đường Tuệ Tĩnh, Nguyễn Đình Chiểu, chả mấy người biết các cụ là ai?”.
Nói thế để “liên hệ” đến những “tiếp biến” chả văn hóa lắm dưới xuôi. Vũng Quýt bị gọi thành “Dung Quất”. Bún riêu tống giò, mọc, nem tai, trứng hay cả nắm thịt bò vào mà cũng gọi là miếng ăn Hà Nội. Và tiếng Việt trên tivi nghe cứ lơ lớ như ông Tây hấp lìm.
Hồi còn sống, nhà thơ Thái Lò Văn Cậy kể cánh đồng Mường Thanh phẳng phiu quá, có người gọi “Mường Mặt Ghế”. “Mà mặt ghế ai ngồi chả được”, câu ôngnói thêm đầy ắp nhẽ đời. Thần thoại và á thần thoại vùng Điện Biên, Sốp Cộp đầy rẫy những tranh chấp, đổi rời giữa các tộc người, ai mạnh, ai đông nấy thắng dù là anh đến sau. Có chuyện, rằng vua Xágả con gái cho người ngoại tộc. Rể Kinh khôn quá, bị các ông cọc chèo người Mông, Thái giết, vứt xuống sông. Khi bố vợ chết, rể Thái Cầm Lạng Chượng lên nắm hết binh quyền, đóng đô ở Điện Biên. Rồi Hoàng Công Chất từ sông Mã qua Lào, chạy đến Điện Biên lại xưng vua, quan binh nhà Nguyễn kéo lên đánh dẹp. Một vùng thần thoại thần tích chưa bị nặn lại, những bản mường bao la trẻ con nói nguyên tiếng Thái cổ, ấy là vì Sốp Cộp có cái thế đất như hòn đảo giữa rừng núi hiểm trở,không còn thuộc về Điện Biên nhưng “màu” Sơn La cũng chưa nhuốm mấy.
*
Phố Sốp Cộp chưa mấy ai vãng lai, mà gần cầu Nậm Lạnh lại đang lên ngôi khách sạn Hải Hà II ba tầng. Ngoài Sông Mã là Hải Hà I,bốn tầng. Vốn khua từ những đâu đâu không biết, nhưng người quản lý trực tiếp là Hoa, người đàn bà khỏe mạnh xốc vác quê Hưng Yên. Ông chồng bị thần kinh tọa, trông rất dúm dó. Doanh nghiệp Hải Hà làm đường, xây cầu cống,trụ sở sang tận Lai Châu, Điện Biên, máy xúc cần cẩu dũi núi ầm ầm. “Chúng em lập dự án, xin kinh phí, thực hiện...”, Hoa chỉ nói thế, không kể về những đoạn phải chia chác, làm “chùm khế ngọt”. Nhìn chị vừa cộng sổ, vừa chỉ huy thợ đổ trần mà thán phục cái uy của người chủ. Chắc khi làm việc với bên a, Hoa phải đổi chữ “uy” sang chữ “nhẫn”, để người ta nhận phần mà vẫn thấy mình sang trọng.
*
Mới lập đông, trời còn khô ơi là khô, cây đào phai trước nhà ông Lò Minh ón đã lác đác đơm hoa. Hôm nay là một ngày tốt. Con lợn nái nhà ông đẻ mười con. Có hai “thằng” rất nghịch, vừa lọt lòng đã nô nhau, leo thoăn thoắt trên lưng mẹ còn nặng nhọc. Đứa cháu ngoại tên Sa ra trường rồi lại quay về “vì các thầy đi uống rượu” mừng cưới, chú rể họ Vì lấy cô họ Lường. “Họ Lường làm mo, họ Lò, họ Cầm làm quan, họ Đèo làm vua”, ông ón chả phải “họ Lường trí thức” nhưng lại là hội viên Văn nghệ tỉnh nên bận rộn tợn.Từ 8 giờ, ông sang nhà gái, nơi đã có mặt chú rể, nói những câu nghi lễ, câu chúc mừng. “Chồng là cây kèo cây cột, phải vững chãi như lim như sến trên ngàn, làm chỗ dựa cho gia đình. Vợ là người giữ cho bếp lửa sáng, nuôi con lợn béo, trồng dâu nuôi tằm cho kén đẹp tơ óng, đẻ những đứa con xinh xắn, khỏe mạnh”, đại loại những lời có cánh như trong Xống chụ xôn xao, bản trường ca lớn nhất của người Thái. Rồi những thủ tục trao vòng, hoa tai, khấn tổ tông… Sang lễ tằng cẩu, người đàn bà song toàn vấn tóc của cô dâu trộn với lọn tóc đẹp chú rể mang sang thành búi nặng trên đầu. Kể từ giờ phút này, người con gái thuộc về nhà chồng (dù sau đó còn một hai năm ở rể), chết thời làm ma nhà chồng, không ai còn có thể sớ rớ như khi chưa tằng cẩu.
Non trưa, khách lục tục tới, người vài chai rượu, kẻ góp hai ba chục nghìn bỏ vào chậu. Chúc tụng dâu rể, đôi bên gia đình mỗi người một chén nhỏ (may là nhân loại không uống toàn chén to), mỗi người “nghiên cứu” hết chừng một “nghị quyết sáu nhăm” rượu sắn, càng đàn bà càng uống khỏe. Có anh “chết” càng vui. Nhưng chú rể không được “chết”, uống thế nào đêm đến cũng phải “thể hiện” cường lực đàn ông cho sàn nhà vợ “ngả nghiêng” gần sập. Và trước khi có ánh mặt trời, chàng đã phải lần xuống suối kín nước cho nhà vợ, nhà mình, cho những thân thuộc cả đôi bên.
Cứ thế trong ba ngày. Khổ vậy, thì lấyvợ làm gì nhỉ ?
Nghe con chó nó cắn
Em biết rồi
Anh lại đến chọc sàn
Nhà bên bắt đầu xôn xao. Tiếng ai hát nhại bài “NgườiYên Châu em bắn máy bay”. Ông ón ngại rượu, ở nhà kể tích người Thái từ Xíp Xoong Ba Na bên Vân Nam Trung Quốc sang, những cuộc chiến giành đất với người Xá, vua Hoàng Công Chất đánh sang Lào hai lần bại cả, rồi chết dưới tay quân binh nhà Nguyễn. Trong bập bùng ngọn lửa, lời ông cứ đều đều ra, những sự biến, những truyền kì của một vùng đất, tộc người như không bao giờ hết.
Hoàng Định
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.