Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo đức - Phẩm chất hàng đầu

Nguyễn Hòa Bình| 24/12/2010 07:45

(HNM) - Không phải đến hôm nay, mà dường như ở mọi thời đại, những người ưu tú của mỗi tổ chức, vùng đất, cơ quan, đơn vị, những người được coi là hạt nhân của sự phát triển không thể và không bao giờ thiếu phẩm chất đạo đức trong sáng. Đối với người cán bộ cách mạng, càng không được thiếu phẩm chất đạo đức.


Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, khi đề cập đến công tác chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đưa ra thông điệp của Đảng về việc để có được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, cần lựa chọn "những đồng chí có phẩm chất đạo đức trong sáng, gương mẫu trong lối sống, trong sạch, không quan liêu, tham nhũng...".

Thông điệp ấy không chỉ dành riêng cho các cán bộ, đảng viên sẽ ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, mà nó cần trở thành tiêu chí để xem xét, đánh giá mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trở lại chuyện tu dưỡng và rèn luyện của mỗi cán bộ từ cơ sở, chúng ta không khỏi rầu lòng khi đây đó còn có hiện tượng cán bộ, đảng viên coi những giá trị đạo đức truyền thống như sự trói buộc, không tương thích với sự vận động của cơ chế thị trường. Chính vì vậy, các tiêu chí cần, kiệm, liêm, chính xem ra cũng có nội hàm rộng hơn, "thoáng" hơn trong việc đánh giá, đề bạt cán bộ? Và, hậu quả là, những cán bộ dẫu đã từng bị quần chúng phê phán, thậm chí bị kỷ luật do vi phạm về phẩm chất đạo đức vẫn được đề bạt vào vị trí cao ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhưng, cuối cùng do "ngựa quen đường cũ" nên chuyện gục ngã là việc không tránh khỏi. Chỉ có điều, sau các án phạt của lương tâm và nhân thế ấy, liệu có ai trong những người đã nâng đỡ, cất nhắc số cán bộ này thấy được trách nhiệm của mình, nếu không muốn nói là lỗi của mình trước quần chúng địa phương, cơ quan, đơn vị ấy?

Đạo đức không thể là thứ trời cho, càng không thể là thứ người cho. Khi không tự mình tu dưỡng thường ngày, tự mình nhắc nhở chính mình hằng ngày, thì càng ở vị trí người lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị càng dễ sa ngã trước mọi cám dỗ đời thường.

Việc giáo dục, dạy dỗ con trẻ trong mỗi gia đình, trong trường học, để thế hệ đi sau thấm nhuần được các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là điều vô cùng quan trọng.

Nhưng, chính cuộc sống của mỗi chúng ta, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên đang đảm nhiệm cương vị lãnh đạo tại địa phương, cơ quan, đơn vị mới là tấm gương đạo đức cụ thể nhất đối với người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đạo đức - Phẩm chất hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.