(HNM) - Biết chúng tôi đến chơi, đạo diễn Nguyễn Quế Lâm mừng lắm, bảo đã lâu không được nghe một giọng Bắc
Tuổi thơ dữ dội
Sinh năm 1965 tại Hà Nội, là giai đoạn đầu Mỹ tiến hành các cuộc ném bom Thủ đô, Quế Lâm may mắn được gửi gắm tại nhà một người bác ruột ở khu tập thể Kim Liên. Cha anh xung phong vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu; còn mẹ, cô y tá đang phấn đấu học bác sỹ theo trường đi khắp nơi, cũng thường xuyên vắng nhà.
Đạo diễn Nguyễn Quế Lâm. |
Anh kể, ở khu tập thể Kim Liên ngày xưa khác giờ nhiều lắm. "Lúc trước có những khoảng trống rất rộng trước khu tập thể, giống như những bao diêm xếp lại. Vào buổi sáng, 7h đã vắng tanh. Chỉ chiều đến mới đông vui bởi là lúc tụi trẻ con xuống chơi đá bóng, nhảy dây, còn những ông bà già thì tận dụng những góc quanh sân để làm chuồng gà tăng gia". Đang kể, Quế Lâm chợt dừng lại và hỏi chúng tôi: "Các bạn biết tại sao hồi đó hầu như các gia đình đều khuyến khích trẻ con xuống sân chơi không?". Chưa kịp nhận câu trả lời, anh đã lý giải: "Nguyên do là các căn hộ ở khu tập thể Kim Liên lúc đó xây khu vệ sinh và bếp chung với nhau cho bốn, năm gia đình, khu vệ sinh chỉ nhỏ tí teo. Để trẻ con trong nhà mà đi vệ sinh hoài cũng không tiện, thế là người lớn cho ra ngoài chơi hết".
Đang đoạn vui, người đạo diễn như lặng đi: "Vào mùa đông, bọn trẻ ở khu tập thể đứa nào cũng nhom nhem. Trời lạnh, chả có đủ áo bông như bây giờ, cứ đứng lơ ngơ ngoài đường chơi, rồi chán lại chạy hết khu nhà này đến khu nhà khác kiếm bạn, cứ lông ba lông bông như vậy". Quế Lâm bảo, buồn nhất là những lúc đang chơi dưới sân, đến bữa lại nghe tiếng í ới của bố, mẹ các bạn gọi con về ăn cơm, còn anh thì không có ai gọi cả. Thèm một tiếng gọi tha thiết như thế, nhưng bố mẹ đều vắng nhà, thậm chí cha anh còn chưa biết mặt (lúc sinh ra, cha đã vào Nam chiến đấu).
Khi lớn hơn một chút, cũng là lúc các cuộc ném bom dải thảm Hà Nội càng dữ dội hơn, anh phải theo mẹ đi sơ tán. "Một lần, giặc ném bom, mẹ mình thân gầy đèo vội một bao gạo, một túi quần áo nhỏ ở phía trước, nồi niêu xoong chảo và mình ở sau xe gác-ba-ga mà đi. Mẹ nặng chưa tới 40kg thôi nhưng mà chở cả cuộc sống của gia đình". Một lần cầu Long Biên bị bom Mỹ đánh sập, mẹ dắt anh đi qua khúc sông Hồng mùa nước cạn. Khi sang đến bờ bên kia bỗng một chùm bom trút xuống gần đó, mẹ đã dang hai tay mà nằm đè lên anh. Đất cát bị cày lên rồi rơi xuống, hai mẹ con không chỗ nào trên người là không có cát.
Hãnh diện là người Hà Nội
Sau giải phóng, tháng 10-1975, cha ra miền Bắc để đón hai mẹ con vào TP Hồ Chí Minh và anh được vào học tại Trường Kỳ Đồng (quận 3). Quế Lâm kể, trong sự học của mình chịu nhiều ảnh hưởng từ bà nội và cha. Cả gia đình đều nói một thứ giọng dân ca ba miền (bà nội và cha nói giọng miền Nam, mẹ âm miền Trung khá nặng còn con thì giọng Hà Nội). Tuy nhiên, dù học ở miền Nam từ năm 10 tuổi, nhưng đến nay Quế Lâm vẫn nhất định giữ một giọng nói Hà Nội, không chịu pha tạp tiếng vùng khác.
Dù cấp II học rất giỏi toán nhưng đến cấp III Quế Lâm lại đột nhiên thích môn xã hội. Chính cái sở thích này đã dẫn anh đến quyết định thi vào khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh năm 1984. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp ngành sử, anh lại theo học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và học lớp đạo diễn khóa tạo nguồn đầu tiên cho các tỉnh phía Nam. Sau này, đạo diễn Quế Lâm đã dần ngả sang mảng phim tài liệu và từng giành giải thưởng. Đó là phim "Nguyễn An Ninh niên biểu" được giải thưởng Ban Giám khảo tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 10 được tổ chức tại Hải Phòng và phim "Phan Châu Trinh, 14 năm ở Pháp" (Quế Lâm làm biên tập) được giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam. Hiện anh dành nhiều thời gian vào công tác quản lý, làm Phó Giám đốc tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.