(HNMCT) - Nhà thơ Hà Huy Hoàng sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xóm Cung, thôn Thủy Thạch, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Từ những năm 1990, Hà Huy Hoàng đã có nhiều thơ đăng trên các tờ báo ở mọi miền đất nước và đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác. Anh đã xuất bản và in chung nhiều tập thơ, có thể kể đến “Hoa nắng, hoa mưa”, “Sóng trần gian”, “Một nắng hai sương”, “52 bài lục bát”...
Sau 8 năm vắng bóng trên văn đàn, mới đây Hà Huy Hoàng đã trở lại với tập sách phê bình thơ “Ngẫu cảm văn chương” (NXB Hội Nhà văn, 2022). Với tập sách này, anh dẫn dắt bạn đọc xuôi theo dòng cảm xúc trong 70 tác phẩm thơ của 63 tên tuổi có lạ, có quen.
Con đường phê bình thơ của Hà Huy Hoàng không đi vào việc “mổ xẻ”, phân tích sâu kỹ mà anh đi từ trái tim. Là một nhà thơ, anh dễ dàng đồng cảm với tác giả. “Ngẫu cảm văn chương” của Hà Huy Hoàng tôn các tác phẩm thơ lên thêm một lần nữa. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đọc bài phê bình thơ “Nghe tiếng con chim cuốc” mà Hà Huy Hoàng dành tặng, đã thốt lên: “Bài phê bình làm cho thơ của tôi trở nên hay hơn”.
Hà Huy Hoàng không chọn những tác phẩm tiêu biểu của tác giả để phê bình. Bởi theo anh, đại đa số những tác phẩm nổi tiếng đều đã được giới phê bình nhắc đến. Một nguyên nhân quan trọng khác là anh muốn chứng minh một điều, nhà thơ ấy không chỉ có một tác phẩm đã “đóng đinh” vào lòng độc giả mà vẫn còn những tác phẩm đáng chú ý khác. Điển hình như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hay "thần đồng" Trần Đăng Khoa.
Ai nấy đều biết đến nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn với tác phẩm “Hương thầm” hay “Làm anh”. Tuy nhiên, khi chọn phê bình trong “Ngẫu cảm văn chương”, Hà Huy Hoàng thẳng thắn nhận xét: “Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có rất nhiều bài thơ hay nhưng theo tôi, “Con đường” mới chính là bài thơ hay và tiêu biểu của chị. Đây cũng là một trong những bài thơ tình hay, xuất sắc trong thơ Việt Nam hiện đại...”.
Hay với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hà Huy Hoàng không chọn phê bình những bài thơ thiếu nhi hay những tác phẩm nổi tiếng như “Chút thư tình người lính biển”, “Gửi em Ninh Bình” mà lại chọn bài “Hoa xương rồng” với những câu lúc bát khiến lòng ta nao nao: “Bời bời ngọn gió ngổn ngang/ Hoa xương rồng vẫn nở vàng lối xưa/ Ngõ tre nghe lá đổi mùa/ Bóng em khuya sớm, nắng mưa đi về/ Mẹ cười, mắt bỗng đỏ hoe/ Anh ngồi nghe gió thổi se lá vườn...”.
Công bằng mà nói, tập sách bình thơ của Hà Huy Hoàng không nặng về chuyên môn mà chỉ là những cảm nhận ngẫu hứng của anh khi đọc được một bài thơ trên sách báo hay vô tình gặp trên mạng xã hội. Điển hình là nhà thơ Hân Thương (Quảng Ngãi), người được anh ưu ái giới thiệu khá nhiều bài thơ trong tập sách với nhận xét “những vần thơ thành thật và xúc cảm đến nghẹn lòng”. Đây là một nhà thơ mà tên tuổi còn ít người biết đến, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đã thốt lên những lời cảm xúc sau khi đọc thơ của Hân Thương và lời bình của Hà Huy Hoàng: “Đọc thơ cháu mà xúc động quá. Giờ lớp trẻ không mặn mà với thơ ca. Thơ của người lớn thì: Có người bùa chú chữ nghĩa, có người viết dễ dãi, đến nỗi cũng chưa phải là vè”.
Với “Ngẫu cảm văn chương”, Hà Huy Hoàng không “vạch lá tìm sâu” mà chủ trương “đãi cát tìm vàng”. Hầu như anh chỉ nêu ra cái hay, hoặc "tìm ra" những nhà thơ như Hân Thương. Nên có thể nói, đây là tập sách rất “đẹp”. Đọc “Ngẫu cảm văn chương” với một tâm thế thoải mái, thay vì đặt nặng tính nghệ thuật, độc giả sẽ được cùng anh đi đến nhiều miền cảm xúc của các thi phẩm, có mặn mà, ngọt ngào, đắng chát, để rồi tâm hồn sẽ cùng lắng đọng, thăng hoa với thơ và phê bình thơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.