Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh trống, bỏ dùi!

Trung nguyên| 12/10/2013 07:24

(HNM) - Năm 2008, trên địa bàn xã Vạn Thắng (Ba Vì) được đầu tư dự án khu nuôi trồng thủy sản tại 90ha ruộng vùng trũng, cấy lúa một vụ bấp bênh, cho thu nhập thấp sang chuyên nuôi trồng thủy sản thâm canh đạt hiệu quả cao.

Sau 5 năm, dự án nuôi trồng thủy sản ở xã Vạn Thắng vẫn ì ạch.



Dự án (DA) khu nuôi trồng thủy sản được thực hiện trên địa bàn thôn Mai Trai (xã Vạn Thắng) do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư. Theo đó, 90 ha ruộng vùng trũng sẽ được quy hoạch xây mới hệ thống ao đập, đắp bờ, phân lô, xây dựng hệ thống cầu, cống, mương tưới, tiêu, đường bê tông vào khu dự án và hệ thống điện hạ thế… Tổng mức đầu tư cho DA là 31,096 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng là 23,196 tỷ đồng, hệ thống điện hạ thế 1,3 tỷ đồng… Đến năm 2010, các hạng mục trên đã cơ bản hoàn thành. Riêng hệ thống lưới điện hạ thế và trạm biến áp đến tháng 9-2011 mới hoàn tất thí nghiệm và được Công ty Điện lực Ba Vì đóng điện vào cuối năm 2011.

Mục đích của DA này là tạo cơ hội để thoát nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân xã Vạn Thắng. Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay, người dân vùng DA chỉ được… "ngắm" hệ thống lưới điện hạ thế(?). Các hộ gia đình buộc phải mua từ 1 đến 3 máy phát điện/hộ để phục vụ cho quá trình sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Ông Lê Văn Năm ở thôn Mai Trai phàn nàn: "Gia đình tôi hiện đang sử dụng 4ha nuôi trồng thủy sản… Từ 2010 đến nay, mỗi năm nuôi ươm khoảng 4 vạn con giống, cho thu hoạch 5 tấn cá. Tổng mức đầu tư cho khu nuôi trồng thủy sản này hết hơn 2,3 tỷ đồng… Khó khăn nhất hiện nay của tôi và các hộ gia đình khác là không có điện". Để chạy máy bơm, quạt nước cho các ao cá, ông Năm phải đầu tư 3 máy phát điện, mỗi giờ chạy máy tiền dầu đã tiêu tốn hơn 100 nghìn đồng. Khi cá đạt trọng lượng 0,4-0,5kg, liên tục mỗi ngày phải chạy máy bơm, quạt nước ít nhất 3 giờ để cá không bị ngạt, nên chi phí bỏ ra là rất lớn. Từ khi thực hiện DA nuôi trồng thủy sản (2010) đến nay, mỗi năm mỗi hộ dân phải chi phí hàng chục triệu đồng tiền dầu để chạy máy phát điện.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Ba Vì (đại diện Ban QLDA) cho biết: "Hệ thống điện vùng DA xã Vạn Thắng đã được bàn giao cho Công ty Điện lực Ba Vì ngay từ khi hoàn thiện…". Thế nhưng, ông Phí Minh Thông, Trưởng phòng Kế hoạch - Vật tư, Công ty Điện lực Ba Vì lại khẳng định: "Cuối tháng 8-2013, công ty mới được UBND huyện Ba Vì do ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện chủ đầu tư DA, bàn giao toàn bộ hệ thống điện thuộc khu DA nuôi trồng thủy sản xã Vạn Thắng". Ông Thông cho biết thêm, do trước đó chưa được bàn giao hệ thống điện hạ thế nên sau khi đóng điện (2011), việc khai thác, sử dụng trạm biến áp do chủ đầu tư, hoặc đơn vị chủ quản thực hiện DA cấp điện cho các hộ. Công ty Điện lực Ba Vì chỉ chịu trách nhiệm bán điện đến các hộ dân khi được bàn giao hệ thống điện hạ thế… Sự việc cho thấy rõ ràng Ban QLDA (UBND huyện Ba Vì) đã chậm trễ tới gần 2 năm mới bàn giao hệ thống điện hạ thế cho Công ty Điện lực Ba Vì, khiến người dân vùng DA rất khổ sở, tốn kém vì không có điện để phục vụ sản xuất. Không những thế, từ tháng 8-2013 đến nay, các hộ dân thôn Mai Trai đã phải nhiều lần đi lại từ xã lên huyện và Công ty Điện lực Ba Vì để nộp đơn xin được sử dụng điện, nhưng rốt cuộc vẫn tiếp tục phải chờ đợi…

Khó khăn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Vạn Thắng chưa phải đã hết. Vùng DA quy hoạch 90ha, nhưng hiện nay mới có gần 50ha được nuôi cá, còn lại vẫn là 1 vụ lúa + cá. Khu DA vẫn chưa được quy hoạch cụ thể, việc nuôi trồng thủy sản còn manh mún, tự phát, do còn nhiều hộ gia đình phải tự đi thuê, mượn đất theo mùa vụ. Hiện nay, chỉ có hơn chục hộ được chuyển đổi cơ cấu nên dẫn đến việc đầu tư hạ tầng không đồng bộ. Điều đáng nói, nhiều hộ chăn nuôi thủy sản nơi đây vẫn chưa được chính quyền, cơ quan chức năng hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thực hiện DA, nên không thể xây dựng nhà kho, nhà bảo vệ. Một khó khăn nữa là các hộ muốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thì cần phải có vốn. Việc thực hiện dự án nhỏ lẻ, manh mún, tự phát cũng đồng nghĩa với việc các hộ không thể tiếp cận, vay vốn từ ngân hàng.

Ông Đỗ Văn Hiệp (thôn Mai Trai) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn (7ha) cho biết: Hiện các hộ chỉ vay được vốn của Liên minh Hợp tác xã, nhưng 3- 4 hộ phải chung nhau 1 hợp đồng, tối đa là 250 triệu đồng. Số tiền quá ít ỏi để đầu tư cho chăn nuôi cá. Hiện công suất tại khu DA này mới khai thác được hơn 40%. Nếu các hộ được hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục liên quan đến hợp đồng thuê đất, quy mô thực hiện DA, được cấp chứng nhận kinh tế trang trại để tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách, đầu tư thêm hạ tầng, vùng DA sẽ phát triển mạnh, trở thành "vựa cá" của thành phố…

Thiết nghĩ, việc triển khai thực hiện DA nuôi trồng thủy sản tại Ba Vì đang còn rất nhiều bất cập cần phải được chính quyền, chủ đầu tư (UBND huyện Ba Vì) quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân xã Vạn Thắng đầu tư công sức, vốn liếng, đẩy mạnh sản xuất thâm canh mang lại hiệu quả thiết thực cho DA này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh trống, bỏ dùi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.