(HNM) - Lần đầu tiên được tổ chức, “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020” có nhiều điểm mới như diễn ra trên phạm vi toàn quốc, hình thức mở, khuyến mại lên đến 100%... nhằm "đánh thức" thị trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đơn vị đầu mối tổ chức chương trình.
- “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020” được tổ chức với hình thức mở, mọi thương nhân được chủ động tham gia. Ông có thể nói rõ hơn về tính mở của chương trình này?
- Tính mở của “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020” là được triển khai trên phạm vi cả nước, với sự tham gia của mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia chương trình mà không phải thông qua bất kỳ khâu xét chọn nào từ phía cơ quan tổ chức. Tính mở còn ở chỗ tất cả các ngành hàng đều có thể tham gia chương trình. Các chương trình, hoạt động khuyến mại được áp dụng theo tất cả các hình thức khuyến mại quy định tại Luật Thương mại với mức khuyến mại tối đa không quá 100%.
- Chọn thời điểm tháng 7, hẳn Ban tổ chức có lý do của mình, thưa ông?
- Thông thường tháng 7 hằng năm, thị trường chùng xuống do sức mua giảm. Nguyên nhân là vào tháng 7, học sinh, sinh viên nghỉ hè, thời tiết nóng bức... nên người dân ít mua sắm hơn so các thời điểm khác trong năm. Do đó, cần tổ chức tháng khuyến mại với mức giảm giá hấp dẫn để kích thích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn và “đánh thức” thị trường. Từ việc đồng loạt thực hiện các chương trình khuyến mại tập trung trên phạm vi toàn quốc sẽ tạo sức lan tỏa mạnh cho thị trường. Đồng thời chương trình thể hiện vai trò dẫn dắt của Chính phủ, Bộ Công Thương đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Sau sự kiện lần đầu được tổ chức này, Bộ Công Thương sẽ đánh giá hiệu quả cụ thể và dự kiến tổ chức thành chương trình thường niên.
- Ông có thể cho biết, để triển khai các chương trình khuyến mại suốt cả tháng, các doanh nghiệp cần có cách thức ra sao, người tiêu dùng qua đó hưởng những ưu đãi thế nào?
- Tùy vào khả năng tài chính, nguồn hàng hóa, doanh nghiệp cần phân bổ nguồn lực hợp lý, thực hiện khuyến mại theo nhiều hình thức. Có thể tham khảo cách khuyến mại tại nhiều nước khi chia thành nhiều kỳ, tuần đầu khuyến mại 20%, tuần kế tiếp 50%... tới tuần cuối của tháng khuyến mại tới 100%. Với cách thức này, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, từ đó quảng bá rộng rãi thương hiệu và sản phẩm...
Người tiêu dùng mua sắm tại các điểm khuyến mại được hưởng nhiều ưu đãi, tối đa lên đến 100% giá trị sản phẩm, dịch vụ. Mua sắm trên các sàn thương mại điện tử hay thanh toán qua các ứng dụng còn có thể nhận được khuyến mại từ các nhà mạng, các ngân hàng… với nhiều hình thức ưu đãi. Với chương trình này, lợi ích mà người tiêu dùng được hưởng lớn hơn so với việc từng doanh nghiệp, từng địa phương thực hiện các chương trình khuyến mại riêng biệt.
- Cơ quan chức năng có giải pháp gì để hàng kém chất lượng không “len lỏi” vào “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020”, nhất là trên thương mại điện tử, thưa ông?
- Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính, bảo đảm mục tiêu đề ra của chương trình, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là các giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường. Hệ thống quản lý thị trường từ trung ương tới các địa phương tập trung kiểm tra trước, trong và sau khi chương trình diễn ra, bảo đảm hàng hóa được khuyến mại có chất lượng tốt, niêm yết đúng giá, mức khuyến mại thực chất, xử lý nghiêm tình trạng nâng giá rồi mới giảm giá khuyến mại hoặc tình trạng trà trộn hàng giả, hàng nhái…
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) làm việc với các sàn thương mại điện tử bảo đảm hàng hóa có chất lượng tốt, có biện pháp xử lý các trường hợp khuyến mại trá hình, giảm giá với hàng hóa kém chất lượng… UBND cấp tỉnh và sở công thương các địa phương đẩy mạnh giám sát hàng hóa được bán, khuyến mại trong “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020”. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, đạo đức kinh doanh, văn minh thương mại và hiểu biết về quyền của người tiêu dùng...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.