Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đánh thức” những kỷ vật kháng chiến

Nguyên Hoa| 17/07/2012 07:16

(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa, những kỷ vật kháng chiến cũng lùi theo năm tháng. Để những kỷ vật mãi là bằng chứng sinh động gắn với những chiến công của cha anh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng vừa phát động phong trào hiến tặng và sưu tầm kỷ vật kháng chiến. Phong trào đã sớm nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài quân đội.

Những kỷ vật kháng chiến do các CCB hiến tặng.


Dù đã 84 tuổi nhưng Thiếu tướng, GS, TSKH, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVTND Lê Thế Trung, nguyên giám đốc sáng lập Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 là một trong những cá nhân đầu tiên hăng hái hưởng ứng phong trào. Đó là con dao đi rừng, ba lô, quần áo của những năm tháng tham gia chiến đấu, những con dao của ngành y gắn với các công trình khoa học do ông nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện. Thiếu tướng Lê Thế Trung chia sẻ: Những con dao mổ mà tôi hiến tặng gắn với tôi trong ca ghép thận đầu tiên từ năm 1992, hay trong ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam năm 2004, là những hiện vật góp phần làm nên thành công cho ngành y nước nhà.

Bên cạnh những hiện vật của Thiếu tướng Lê Thế Trung còn xuất hiện nhiều hiện vật gắn với tên tuổi của các tướng lĩnh có nhiều đóng góp với sự nghiệp xây dựng và trưởng thành của ngành hậu cần, của quân đội. Đó là chiếc khăn, bộ quần áo bà ba của cố Thượng tướng Đinh Đức Thiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt xây dựng con đường chiến lược Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1965. Nhóm hiện vật của cố Thượng tướng Bùi Phùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được ông sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ với cương vị Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy miền, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Cục Hậu cần quân giải phóng miền Nam. Đó còn là chiếc áo giáp của Anh hùng LLVTND Đỗ Văn Chiến, nguyên chiến sĩ lái xe Đại đội 2, Tiểu đoàn 101, Binh trạm 13 được ông mặc trong những năm tháng chiến tranh. Với quyết tâm đưa hàng ra mặt trận, tất cả vì tiền tuyến, Anh hùng LLVTND Đỗ Văn Chiến luôn lái xe vượt mức kế hoạch, trong 30 đêm liền, chạy 33 chuyến, có đêm chạy 180km, vượt 4 trọng điểm địch đánh phá ác liệt.

Theo Thiếu tướng Trần Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào hiến tặng kỷ vật kháng chiến ngành hậu cần, là cơ hội để mọi cá nhân, đơn vị cùng tham gia nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của ngành hậu cần quân đội, hậu cần nhân dân, là dịp để giáo dục truyền thống, bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, nhằm động viên các thế hệ nối tiếp phát huy truyền thống của các lớp cha anh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dù mới đi được chặng đường ngắn nhưng phong trào hiến tặng và sưu tầm kỷ vật kháng chiến của ngành hậu cần quân đội đã nhận được nhiều kỷ vật có giá trị quý về mặt tinh thần, hy vọng từ nay đến tháng 12-2014 thời điểm kết thúc phong trào đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập QĐND Việt Nam sẽ còn nhiều kỷ vật được "đánh thức", minh chứng sống động cho một giai đoạn hào hùng của dân tộc…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Đánh thức” những kỷ vật kháng chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.