(HNMO)-Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến Rạch Giá trong chuyến đi dài ngày về Miền Tây của Tổ quốc. Khi ở Miền Bắc các đợt không khí lạnh liên tục bổ sung, nhiệt độ buổi sáng xuống đến 17-19 độ C thì ở Rạch Giá nắng vẫn chói chang, thời tiết nóng bức.
Chuyến tàu đi Rạch Giá để đến hòn đảo Hòn Tre rời bến khá sớm, bầy hải âu chao liệng tiễn con tàu một đoạn đường xa trong tiếng máy ầm ầm. Những cụm lục bình trôi ra biển lớn vẫn còn tươi xanh.
Huyện đảo Kiên Hải được thành lập ngày 12-4-1983, gồm 6 xã nằm ngoài khơi biển Tây Nam: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn (quần đảo Nam Du), Bà Lụa, Hòa Đốc, Hòn Nghệ. Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải đặt tại Hòn Tre, tuy không phải là đảo lớn nhất, cách Rạch Giá 30 km. Tàu cập bến Hòn Tre sau khoảng 50 phút lênh đênh trên biển. Khi một hòn đảo mờ mờ hiện ra phía trước, hiện lên trước mắt chúng tôi là hình con Rùa. Đảo Hòn Tre có hình con rùa nổi lên giữa biển. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao đảo Hòn Tre còn có tên khác là Hòn Rùa. Nghe anh lái tàu nói, trước đây, đi bằng tàu nhỏ phải mất 2 tiếng. Đương nhiên không có chuyện con rùa biển bơi lại gần bờ Rạch Giá. Thời gian rút ngắn hơn phân nửa kia là vì bây giờ chúng tôi được ngồi tàu cao tốc.
Bến Hòn Tre ngày nay không còn là cái phao thép nổi bập bềnh thời chiến tranh để lại mà đã được xây dựng bê-tông cốt thép đúng quy cách, tuy không lớn. Trên bến, một hàng xe ôm mười mấy chiếc xếp hàng đậu ngay ngắn. Một bác xe ôm nhanh nhảu mời khách: “Mấy anh đi “truyền thống” hay tự lái?”. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, ông giải thích: “Tự lái tức là khách mướn chiếc xe (bao xăng), muốn đi đâu thì tùy, khi nào chán quay về bến trả tiền”. Con đường từ bến lên được đổ bê-tông phẳng phiu vòng quanh đảo, ngang 3 m, dài 12 km, có đủ từng cột cây số, bảng chỉ đường, vài đoạn còn có cả đèn chiếu sáng ban đêm. Với người Hòn Tre, đây là “con đường tơ lụa” trên cả tuyệt vời - như lời một ông chủ tiệm tạp hóa khoe khi tôi dừng lại mua chai nước uống.
Hiện lên ngoài biển, con đê chắn sóng bê-tông cốt thép dài, sừng sững như một chiến lũy che chở cho bãi bờ, những công trình xây dựng quanh chân đảo, trước hết là tàu thuyền ngày đêm neo đậu. Khu tránh bão được thiết kế cho cả ngàn con tàu trú tránh an toàn.
Kiên Hải sau 2 lần chia tách các xã hiện chỉ còn 3 xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du và thị trấn Hòn Tre - trung tâm hành chính huyện, với dân số gần 25.000 người. “Chỉ khi có nguồn điện đầy đủ, ổn định mới có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở những hòn đảo nhỏ xa xôi này” –Ông Huỳnh Thanh Bình- Phó chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải khẳng định. Ông cũng kỳ vọng, đường dây điện 22 kV đưa điện quốc gia vượt biển đang triển khai xây dựng sẽ giúp người dân đảo bớt khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh.
Nơi đây, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (bao gồm cả huyện Kiên Hải) đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhằm đánh thức tiềm năng và thế mạnh của địa phương trong thực hiện mục tiêu chương trình phát triển kinh tế biển đảo của Chính phủ, huyện Kiên Hải đang tập trung huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước, liên lạc viễn thông, y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ..., kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy hải sản…
Khi chúng tôi có mặt trên đảo, cũng là thời điểm huyện Kiên Hải đang xây dựng các dự án quy hoạch trung tâm thương mại thị trấn Hòn Tre, trung tâm chợ tại các xã; các khu du lịch nghỉ dưỡng; các dự án trọng điểm gồm âu thuyền trú bão, cầu cảng đủ điều kiện cho tàu hàng và tàu du lịch cập bến, đường giao thông quanh các xã... Huyện cũng đang phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, giới thiệu những chính sách ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư….và sự kiện “nóng” nhất là Công ty Điện lực Kiên Giang đang triển khai dự án xây dựng đường dây 22 kV vượt biển, đưa điện lưới quốc gia ra đảo Hòn Tre. Phó Giám đốc Điện lực Kiên Giang Phạm Thành Tuấn cho biết, hiện tại 100% số hộ trên đảo Hòn Tre đã có điện sử dụng từ nguồn máy phát diesel bao gồm 2 tổ máy với công suất 800kW, với giá thành sản xuất 8.319đ/kWh. Trước đây, các hộ sử dụng điện phải mua với giá đến 11.000đ/kWh. Để tăng cường thực hiện chính sách an sinh xã hội, các khách hàng khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia sẽ được áp dụng biểu giá điện như khách hàng sử dụng điện ở khu vực nối lưới điện quốc gia nên từ ngày 1-6-2014, các hộ sử dụng điện ở đảo Kiên Hải được áp dụng giá điện như khu vực đất liền theo Quyết định số 4887/QĐ-BTC của Bộ Công Thương và gánh nặng tài chính từ việc bù chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá bán lại được chuyển từ khách hàng sang ngân sách tỉnh Kiên Giang. Do nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân trên đảo Hòn Tre chưa cao, giá điện như đất liền, nên vấn đề điện ở Kiên Hải không còn “nóng” như thời gian trước ngày 1-6-2014, vì thế sự kiện đưa điện ra đảo bằng tuyến đường dây vượt biển 22kV không được người dân đón nhận với sự xúc động tột cùng như ở đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô…Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải: Bên cạnh việc giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách tỉnh Kiên Giang do phải trợ giá điện thì một trong những yếu tố hết sức quan trọng của việc đưa lưới điện quốc gia ra đảo Kiên Hải bằng đường dây vượt biển 22kV là thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện đảo là việc cung cấp đầy đủ, ổn định điện năng. Không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, nguồn điện lưới quốc gia còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc an ninh quốc phòng biển đảo Tây-Nam Tổ quốc.
Ông Phạm Thành Tuấn - Phó giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang (Tổng Công ty Điện lực miền Nam) cho biết, nhằm tăng cường và cung cấp nguồn điện ổn định từ điện lưới quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện hiện tại và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai ở huyện đảo Kiên Hải, Công ty Điện lực Kiên Giang triển khai đầu tư các dự án xây dựng tuyến đường dây 22 kV vượt biển dài 13 km đưa điện từ đất liền đến đảo Hòn Tre, đồng thời cải tạo lưới điện tại Hòn Tre với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Dự kiến, công trình đường dây này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2015.
Khác với các hộ chỉ sử dụng điện sinh hoạt, ông chủ cơ sở gia công cơ khí, sửa chữa máy tàu đánh cá ở ấp 1, thị trấn Hòn Tre cho biết, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở huyện đảo Kiên Hải đã chuẩn bị những kế hoạch làm ăn mới để đón đầu nguồn điện lưới quốc gia và cơ sở của ông cũng nằm trong số đó.
Không có thời gian ở lại lâu với Hòn Tre, đoàn chúng tôi về ngay chiều hôm đó. Hòn Tre - xã đảo hình thù con rùa khổng lồ có đuôi hà bá ấy được đánh thức bởi những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở đang được triển khai và những dự định làm ăn lớn của các ông chủ doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ khi dòng điện ở đảo được nối lưới quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.