Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh mất lòng tự trọng hay tham nhũng?

Cù Xuân Trường| 08/12/2014 05:55

(HNM) - Việc thu hồi những ngôi nhà, căn hộ công vụ lại được xới lên trong dư luận. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, vấn đề sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, không đúng mục đích, cơ chế xin - cho, cán bộ lãnh đạo về hưu chây ì, không chịu trả nhà công vụ... đã được đặt lên bàn nghị sự.



Vì sao một chính sách đúng đắn nhằm bảo đảm cho những cán bộ lãnh đạo trong thời gian công tác hay luân chuyển công tác có nhà ở để ổn định cuộc sống lại biến tướng, gây dư luận không tốt trong xã hội?

Thực tế, có những vị lãnh đạo cấp cao đã trả lại biệt thự công ngay sau khi rời nhiệm sở. Thế nhưng con số này không nhiều, chỉ có những con người thực sự liêm khiết và có lòng tự trọng mới làm như vậy. Xoay quanh câu chuyện về những ngôi nhà công vụ là hàng loạt vấn đề. Theo một vị đại biểu Quốc hội, có nhiều người nói, cán bộ quản lý là tài sản quốc gia, cần đãi ngộ đặc biệt nhưng biệt thự quốc gia cũng là tài sản, chúng ta không nên để tài sản này chiếm đoạt tài sản khác... Đại biểu Quốc hội này đề nghị, Nhà nước cần có chế tài nghiêm khắc đối với những người chiếm đoạt tài sản công, trong đó có chiếm đoạt nhà công vụ...

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội) nêu thực tế nhiều nhà công vụ đã bị biến thành nhà tư vụ. Có người đã lỡ quên mang theo chìa khóa nhà công vụ về địa phương để ở trong những biệt thự mà ai đó xây sẵn cho. Có người cho con cháu mượn nhà công vụ để ở nhờ, trông hộ. Có người cho thuê để tháng tháng nhận một khoản tiền "trời cho", có khi còn gấp nhiều lần tiền lương... Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) thẳng thắn: Việc quản lý lỏng lẻo đã làm nảy sinh tình trạng tham nhũng nhà công vụ, một số nhà công vụ đã bị hóa giá, cán bộ, lãnh đạo đến ở nhà công vụ rồi xin mua với giá "bèo", có trường hợp hưởng chênh lệch hàng chục tỷ đồng...

Theo một thống kê, tính đến cuối tháng 9-2014, diện tích nhà ở công vụ cả nước đã lên tới 1.603.498m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, nhà liền kề, nhà chung cư... Trong số này, có bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu căn hộ sử dụng đúng mục đích, bao nhiêu đang ở trong tình trạng "bị chiếm dụng", đã "biến tướng"? Chắc chắn là không ít! Người ta "nặng nợ" với nhà công vụ bởi vô vàn lý do: Tôi đồng ý nguyên tắc nhà công vụ là phải trả, nhưng bây giờ trả cho ai? Chưa có ai ở cơ quan nhà nước lên tiếng đòi nhà và nhiều nhà công vụ cũng không ai đòi... Hoặc việc chưa trả nhà chủ yếu do cơ chế chưa rõ ràng. Những người ở lại thậm chí còn là những người thiệt thòi vì họ vô tư đóng góp cho đất nước mà không xin đất, xin nhà... Hay vì chưa có nhà nên chưa trả lại nhà công vụ, khi nào có nhà sẽ trả lại ngay... Trong khi đó, "người nhà nước" cũng có tâm tư: Chủ nhân của những nhà công vụ đều là những người lớp trước, là bậc cha chú, thậm chí là người từng cất nhắc họ lên vị trí hiện tại nên không thể "rát mặt" mà đòi... Thế nhưng, lý do gì đi nữa thì cũng không thể biện giải cho những việc làm thiếu trách nhiệm công vụ và thiếu tôn trọng pháp luật.

Nhà ở công vụ do Nhà nước đầu tư xây dựng cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội được điều động, luân chuyển theo yêu cầu công tác, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại các địa phương (nơi đến công tác); sĩ quan chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang được điều động theo yêu cầu quốc phòng, an ninh; cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà ở công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ. Theo Thông tư số 01/2014 của Bộ Xây dựng, có hiệu lực thi hành từ ngày 6-3-2014, hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ thì: Nhà ở công vụ được thu hồi trong các trường hợp: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác... Quy định như vậy là khá rõ. Nếu những người không thuộc diện nêu trên không được ở nhà công vụ, đương nhiên phải trả lại nhà công vụ.

Những người từng giữ cương vị lãnh đạo, những người có trách nhiệm thực thi pháp luật cần nêu gương cho các công dân bình thường trong xã hội về ý thức tuân thủ pháp luật. Đáng buồn là sự nêu gương ấy với nhiều người chỉ là chuyện lẽ ra phải thế. "Nợ xấu" nhà công vụ có nguyên nhân từ sự thiếu tôn trọng pháp luật của người sử dụng nhà công vụ và người chịu trách nhiệm quản lý nhà công vụ. Về vấn đề này, tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1 - TP Hồ Chí Minh ngay sau kỳ họp Quốc hội lần thứ tám vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: Mình trách đồng chí nghỉ hưu đó không tự giác trả cũng có cơ sở để trách nhưng người đáng trách hơn là cơ quan công quyền... Cơ quan quản lý cán bộ đáng trách vì đã không thu hồi nhà công vụ ngay khi biết người đó có quyết định nghỉ hưu hay không làm việc tại địa phương. Như vậy là quản lý lỏng lẻo...

Quản lý nhà công vụ còn nhiều bất cập, quá nhiều đầu mối là một thực tế, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý. Bởi lẽ ở mỗi đầu mối quản lý nhà công vụ đều có người ăn lương trách nhiệm. Vấn đề ở đây là trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý nhà công vụ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Sự nể nang đối với quan chức về hưu, cũng như việc lợi dụng sự nể nang đó đã dẫn đến tình trạng nhà công vụ biến thành nhà tư. Nhiều biệt thự công ở những vị trí đắc địa có giá hàng trăm triệu đồng/ mét vuông đã bị biến dạng, bị phá vỡ kiến trúc, trở thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ. Nhiều nhà công, đất công được hóa giá rẻ như cho và được hợp thức hóa bằng đủ mọi thủ tục. Sự nể nang cùng với lối tư duy "của Nhà nước là của chùa" đã dung túng cho đặc quyền đặc lợi và là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng nhà công vụ như nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập. Cũng phải nói thêm rằng, không ai có thể "nuốt trôi" một biệt thự hay một ngôi nhà công vụ nếu không có sự "tiếp sức" của nhiều người có trách nhiệm. Do đó, truy cứu trách nhiệm những tổ chức, cá nhân buông lỏng việc quản lý nhà công vụ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước là vấn đề cần được đặt ra.

Từ đây có thể đặt câu hỏi: Có thể coi việc sử dụng sai quy định nhà công vụ là hành vi tham nhũng như cách nói của nhiều vị đại biểu Quốc hội? Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về tham nhũng: Tham nhũng là hành động cố tình không tuân thủ các nguyên tắc công minh nhằm trục lợi cá nhân hoặc cho những kẻ có liên quan đến hành động đó. Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân... Còn nhà công vụ là nhà của Nhà nước, xét cho cùng là của dân. Những trường hợp lạm dụng tín nhiệm, cố tình sử dụng sai quy định nhà ở công vụ, xét ở nhiều khía cạnh, có thể xem là hành vi tham nhũng. Những người vì nể nang,

vì thiếu trách nhiệm hoặc vì lợi ích của chính mình dung túng cho sai phạm là tiếp tay cho cái xấu, bao che cho tham nhũng. Những hành vi tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng dù ở mức độ nào cũng cần xử lý thích đáng. Tham nhũng nhà công vụ phải được xem là một tội danh, cần có chế tài pháp lý đủ mạnh để loại bỏ, tẩy trừ khỏi đời sống xã hội.

Xem việc sử dụng nhà công vụ sai quy định là thiếu tự trọng, là tham nhũng có thể sẽ khiến một vài người chạnh lòng, nhưng những vấn đề liên quan đến quản lý biệt thự công, nhà công vụ được các đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội đưa ra không đơn giản chỉ là lời cảnh báo. Nếu những người được sử dụng nhà công vụ đều có lòng tự trọng, nếu cơ quan quản lý nhà công vụ không "nể nang", nếu các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc sẽ không có những "phi vụ hóa giá", biến biệt thự công, nhà công vụ thành nhà tư... Đáng buồn là "nhà công vụ" đã trở thành "căn bệnh" ăn vẹt lòng tự trọng của không ít vị từng là lãnh đạo cao cấp. Khi đánh mất lòng tự trọng, lòng tham trong mỗi con người sẽ phát tác. Khi tham nhũng trở thành căn bệnh trầm kha, đất nước sẽ bị hủy hoại.

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, công khai, minh bạch là một giải pháp quan trọng. Với vấn nạn tham nhũng nhà công vụ, bên cạnh việc tạo dựng hành lang pháp lý, siết chặt hệ thống quản lý, rà soát tình trạng sử dụng thì việc công khai xử lý những sai phạm, công bố danh sách cán bộ đang sử dụng nhà công vụ sai quy định là hết sức cần thiết... Nếu tất thảy đều minh bạch sẽ không còn khoảng trống cho sự "tế nhị" trong vấn đề nhà công vụ đang làm "nóng" dư luận hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh mất lòng tự trọng hay tham nhũng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.