(HNM) - Sáng 12-11, với 88,26% số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục tiêu tổng quát xác định xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp. Đến năm 2020, tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới chiếm khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đích đến là giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết nêu rõ: Tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương 41.449 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4.712 tỷ đồng. Nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục rà soát; loại bỏ các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình trùng lặp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng 12-11, các ĐBQH nghe Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.
l Đầu giờ chiều cùng ngày, QH đã nghe trình bày tờ trình Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Về hội. Tiếp đó, QH thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) và công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP). Đa số các ĐBQH đều tán thành ban hành Luật QNCN và CNVCQP để có chế độ chính sách với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, các ĐB cũng có những kiến nghị một số vấn đề để ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp với nhiệm vụ, vị trí của từng đối tượng và mức độ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, dự thảo luật quy định chung đối với QNCN và CNVCQP thể hiện sự ưu ái quá lớn về chế độ tiền lương, trợ cấp, phụ cấp, thi tuyển, xét tuyển, hỗ trợ nhà ở, thuê nhà công vụ, phụ cấp nhà ở. Cần phải tách bạch hai nhóm đối tượng là QNCN và CNVCQP, đồng thời có sự phân tách trong hưởng chế độ chính sách. Vì QNCN là lực lượng trực tiếp chiến đấu, còn CNVCQP lại không phải là lực lượng trực tiếp chiến đấu, không nên được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như QNCN, làm chênh lệch quá lớn đối với CNVC lao động bình thường trong xã hội.
Về vấn đề độ tuổi lao động của QNCN và CNVCQP, các ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Đoàn Yên Bái), Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) kiến nghị nên giữ hạn tuổi phục vụ của QNCN, theo đó cấp Úy là nam, nữ 52 tuổi; cấp Thiếu tá, Trung tá là nam, nữ 54 tuổi và cấp Thượng tá nam 56, nữ 55 tuổi và tại Điều 31 quy định về thời hạn phục vụ trong quân đội của CNVCQP là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi là hợp lý.
Vì đây là lực lượng không phải trực tiếp chiến đấu, đối tượng này giống như công chức, viên chức và người lao động, quy định độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay khi họ còn quá trẻ, có sức khỏe, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao, có kinh nghiệm, đang rất cần cho quân đội. Quy định tuổi nghỉ hưu từ 45 hoặc 50 tuổi trở xuống, cho thấy số năm đóng bảo hiểm ngắn, thời gian hưởng bảo hiểm xã hội dài sẽ ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm xã hội, dễ gây nguy cơ vỡ quỹ; và không bảo đảm điều kiện để hưởng mức lương hưu 75% theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.