(HNM) - Không phải đến khi Bộ Y tế có quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra đánh giá 37 bệnh viện (từ ngày 19-12-2016 đến trước ngày 20-1-2017) sau những bất cập ở Bệnh viện K thì những vấn đề bức xúc về nâng cao chất lượng bệnh viện, cũng như công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân mới trở nên nổi cộm.
Tuy nhiên, Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18-11-2016 của Bộ Y tế ban hành về Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (Bộ tiêu chí) đi kèm đợt ra quân đánh giá 37 bệnh viện trên có nhiều điểm mới, ghi dấu việc chính thức có "thước đo chuẩn" để đánh giá chất lượng bệnh viện sau ba năm thí điểm, áp dụng chung cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam. Đây là những cơ sở hết sức quan trọng để hoạt động đánh giá bệnh viện năm 2016 cũng như trong các năm tiếp theo nhằm đạt mục tiêu sâu xa nhất là tạo động lực tự đổi mới trong toàn bộ hệ thống y tế cơ sở của cả nước vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Có thể nói, mặc dù đã có nhiều đổi mới, nỗ lực cũng như đạt nhiều thành tựu ngang tầm thế giới, nhưng nhìn chung Ngành Y tế nước ta vẫn phải đối diện với rất nhiều “bệnh” mạn tính như thái độ, chất lượng khám, chăm sóc bệnh nhân chưa tốt; kỹ năng quản trị bệnh viện lạc hậu; cơ sở vật chất chưa tương xứng; cảnh chầu chực chờ khám, cảnh nằm ghép tái diễn ở nhiều bệnh viện…
Việc đánh giá chất lượng bệnh viện trên cơ sở Bộ tiêu chí nhiều điểm mới tuy không phải là “bảo bối” để giải quyết cho toàn bộ những hạn chế kể trên, song nó tác động lâu dài đến hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, bởi tinh thần “lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt của toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh” đã được thể hiện trong các tiêu chí.
Rõ ràng, việc kiểm tra thông qua Bộ tiêu chí này sẽ góp phần định hướng, khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở y tế hoạt động theo hướng thực sự vì người bệnh; đầu tư quyết liệt hơn cho đội ngũ y, bác sĩ kể cả về chuyên môn lẫn đời sống. Một khi những yếu tố vì con người được quan tâm sâu sắc, thì dần dần, những bức xúc về y đức, những hạn chế về chất lượng chăm sóc người bệnh chắc chắn sẽ giảm bớt, tiến tới được xóa bỏ. Chỉ khi đó chất lượng bệnh viện ở Việt Nam mới có thể vươn ra tầm khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, để hoạt động kiểm tra đạt hiệu quả, tạo nên động lực tự đổi mới cho hệ thống bệnh viện cả nước thì Ngành Y tế còn nhiều việc phải làm. Việc đánh giá phải thực chất, tránh hình thức, không vì thành tích mà vì mục tiêu chung là thúc đẩy các bệnh viện tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng. Mỗi bệnh viện, mỗi nhân viên y tế cũng nên xem đây là cơ hội để nâng cao trình độ, hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng quản trị vì chính sự phát triển và uy tín của mỗi cá nhân, mỗi tập thể.
Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ với các bệnh viện nhân chuyến thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vào ngày 4-12: Phải coi người dân là ân nhân để chăm sóc, nâng cao chất lượng dịch vụ, chứ không phải xã hội hóa bằng cách đặt thiết bị, rồi đưa người dân vào để thu phí cao. Nói cách khác - đánh giá chất lượng bệnh viện có sát thực, thì hiệu quả thu về mới thực chất và lâu bền!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.