Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá đúng để có hướng đi phù hợp

Việt Tuấn| 04/06/2016 08:07

(HNM) - Dự thảo về Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được tập thể UBND TP Hà Nội thảo luận. Việc xây dựng quy hoạch được đánh giá là rất cần thiết, nhưng các ý kiến cho rằng cần phải giải đáp nhiều vấn đề, quan trọng nhất là cần đánh giá đúng để có hướng đi phù hợp…

Để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, các cấp, ngành chức năng cần có những đánh giá đúng nhằm lựa chọn hướng đi phù hợp. Ảnh: Hải Anh


Nhiều khó khăn đặt ra

Hà Nội đã, đang triển khai xây dựng 3 khu công nghệ cao, 16 KCN với diện tích quy hoạch gần 5.250ha. Cùng với đó, thành phố còn có 110 CCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 3.000ha.

Theo Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng, thu hút đầu tư thứ phát vào các CCN, nhất là CCN làng nghề rất khó khăn bởi suất đầu tư cao, trong khi các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp ở khu vực này có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ. Doanh nghiệp thứ phát phải tự đầu tư hạ tầng như hệ thống điện, sau đó mới bàn giao cho ngành điện quản lý. Việc xây dựng hệ thống nước thải tập trung đang áp dụng nhiều cơ chế tài chính khác nhau nên khó triển khai. Hiện nay tại các KCN thì doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phải chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống thu gom nước thải, sau đó tính vào suất đầu tư; trong khi tại CCN do ngân sách hỗ trợ một phần và chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng chịu trách nhiệm một phần. Đặc biệt, thủ tục đăng ký, lựa chọn chủ đầu tư có liên quan đến sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn, cản trở công tác thu hút đầu tư vào KCN, CCN.

Giải pháp về chính sách cũng được Sở Công thương đề xuất như cần hỗ trợ, miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian đầu cho các doanh nghiệp đầu tư vào CCN; ngân sách thành phố hỗ trợ 100% vốn đầu tư xử lý môi trường tại các KCN, CCN. Về chính sách huy động vốn, một số KCN, CCN được ưu tiên đầu tư có thể vay vốn ODA để thực hiện các dự án ngoài hàng rào; nhà đầu tư ứng vốn làm hạ tầng sẽ được một phần nguồn thu công nghiệp để hoàn vốn; các nhà đầu tư nộp tiền thuê đất một lần sẽ được ưu tiên miễn, giảm. Về chính sách đất đai, thành phố điều chỉnh khung giá chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho phù hợp với thực tế; có cơ chế, chính sách hỗ trợ giải quyết chỗ ở cho lao động tại chỗ và lao động thuê nhà dài hạn, tạo quỹ nhà cho người lao động tại KCN, CCN. Trước mắt, bằng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư hạ tầng KCN xây dựng nhà ở cho lao động thuộc phạm vi của mình (miễn tiền thuê đất, cho vay ưu đãi…).

Phải rõ giải pháp và cơ chế

Cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch phát triển KCN, CCN TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhiều thành viên UBND thành phố khẳng định, quy hoạch này rất cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn thiếu phần đánh giá tổng thể hơn 20 năm phát triển các KCN, CCN thế nào; Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ gì? Từ đó, Sở Công thương, Sở KH-ĐT phải tham mưu đưa ra hoạch định theo hướng nào? Chính sách nào cần ưu tiên và đã lồng ghép việc sử dụng đất đai trong chính sách khuyến khích đầu tư chưa?… Dự thảo cũng chưa đưa ra mô hình quản lý KCN, CCN phù hợp với đặc thù của Hà Nội…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố đã giao Sở Công thương chủ trì thực hiện quy hoạch này cách đây 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, bởi liên quan đến điều chỉnh theo Quy hoạch chung Thủ đô. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, Sở KH-ĐT, Sở Công thương cần rà soát lại, hoàn thiện cho phù hợp.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, phải xây dựng được quy hoạch KCN, CCN, từ đó mới giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Tuy nhiên, dù Sở Công thương đã bám vào Quy hoạch chung Thủ đô, song vẫn còn một số nội dung chưa rõ ràng, cần phải lưu ý như: Đánh giá lại tình hình phát triển KCN, CCN trên địa bàn thành phố thời gian qua, những vấn đề gì đặc thù đã áp dụng... Trong văn bản quy hoạch, cần dành một phần xứng đáng cho thực trạng, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể. Vấn đề quan trọng nữa là hạ tầng đi theo phục vụ phát triển công nghiệp lại chưa được đề cập cụ thể trong dự thảo quy hoạch như nhà ở xã hội, nhà công nhân... Việc ăn, ở của người lao động là điều kiện bắt buộc, bởi thu hút đầu tư nước ngoài, nếu không bảo đảm đủ hạ tầng, dù sản phẩm của công nhân làm ra có chất lượng vẫn bị họ đánh giá thấp. Đặc biệt, trong ưu đãi về đất, chưa phân rõ KCN sạch, KCN cao, CCN làng nghề thì được ưu đãi những gì?

Để tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN, CCN, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở KH-ĐT bổ sung, hoàn thiện dự thảo Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên địa bàn Hà Nội. Đây là yếu tố quan trọng, giúp thống nhất trong thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư vào thành phố, nhất là các đối tác lớn, nhiều nguồn lực, bởi vậy quy chế cần rõ ràng, cụ thể từng bước quy trình, thủ tục...

Dự thảo quy hoạch đề xuất, giai đoạn đến năm 2020, toàn thành phố duy trì hoạt động, hoàn thiện 3 khu công nghệ cao, 16 KCN đang triển khai và 119 CCN (so với trước sẽ loại ra khỏi quy hoạch 41 CCN và bổ sung mới 50 CCN). Giai đoạn 2021 đến 2030, Hà Nội cần đầu tư đồng bộ hạ tầng, phấn đấu thu hút đầu tư lấp đầy 119 CCN đã được xây dựng trong giai đoạn 2016-2020; mở rộng 4 CCN đang xây dựng; thành lập mới 18 CCN. Như vậy, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 137 CCN.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá đúng để có hướng đi phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.