(HNM) - Ở Việt Nam, việc đánh giá đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp đang ở những bước ban đầu và được đánh giá là khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian.
Những bước đi đầu tiên
Mục tiêu nâng cao tốc độ đổi mới công nghệ đã được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TƯ) về phát triển KH&CN cũng như trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020. Theo đó, mục tiêu đòi hỏi phải có phương pháp thống nhất để đo lường, đánh giá, đưa ra các chỉ số phản ánh tốc độ đổi mới công nghệ một cách khoa học.
Đổi mới công nghệ cần được coi là yếu tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Trước yêu cầu đó, Bộ KH&CN đã giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ nghiên cứu, xây dựng phương pháp điều tra, đánh giá hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để làm cơ sở xây dựng văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Gần đây, Bộ KH&CN đã phối hợp với Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia tổ chức hội thảo "Phương pháp đánh giá đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp". Đây được coi là những bước đi đầu tiên nhằm định hướng xây dựng phương pháp đánh giá, tính toán tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và xác định phương án triển khai hoạt động điều tra, thống kê, đánh giá đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, ở nước ta, hoạt động này hiện còn chưa có tính hệ thống và ở quy mô lớn còn nhiều bất cập. Trước hết, chúng ta thiếu nhận thức thống nhất về vấn đề đổi mới công nghệ, quy trình, phương án điều tra với các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng phương pháp tính toán chung để áp dụng cho các ngành, lĩnh vực và địa phương cũng như chưa có các nghiên cứu, tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
Trong hội thảo nêu trên, đại diện Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia cũng nhận định, việc đưa ra phương pháp đánh giá đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp là công việc khó khăn. Bên cạnh đó, các khái niệm liên quan đến đổi mới, sáng tạo còn lạ lẫm và gây nhiều cách hiểu khác nhau trong những người hoạch định chính sách.
Chưa đủ tiêu chí tính tốc độ đổi mới công nghệ
Theo TS Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương: Mặc dù năm 2009, Việt Nam cũng đã ban hành chỉ tiêu thống kê về đổi mới công nghệ nhưng không thể so sánh với các nước và càng chưa đủ để tính toán "tốc độ". TS Hồ Ngọc Luật nêu ra một số chỉ tiêu cơ bản cần xem xét đưa vào áp dụng, gồm: Số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ; tài chính dành cho các hoạt động đổi mới; mục đích và tầm quan trọng của đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp và những cản trở gặp phải trong quá trình thực hiện đổi mới công nghệ… Do đó, cần lập kế hoạch và xây dựng phương án điều tra đổi mới công nghệ, tiến hành tổ chức điều tra riêng, xác định cỡ, quy mô mẫu một cách khoa học. Theo đó, phương pháp luận điều tra đổi mới công nghệ, gồm: Phương pháp lấy mẫu, cỡ mẫu, qua điện thoại, email, phỏng vấn trực tiếp, thời gian thực hiện.
TS Vũ Xuân Nguyệt Hồng (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) đề xuất một cuộc điều tra về năng lực công nghệ của doanh nghiệp cần phải được tiến hành thường kỳ. Theo đó, Bộ KH&CN có thể học hỏi kinh nghiệm từ cuộc khảo sát hằng năm của Viện về năng lực cạnh tranh và công nghệ, được thực hiện tại các doanh nghiệp từ năm 2011 dưới sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Hỗ trợ phát triển Đan Mạch (DANIDA).
Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy khẳng định thông tin thống kê về KH&CN là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng phục vụ nghiên cứu, quản lý điều hành và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Thông tin thống kê về KH&CN nước ta còn hạn chế, đặc biệt là thông tin về hoạt động đổi mới công nghệ. Do vậy, Bộ KH&CN cần xây dựng được đội ngũ và mạng lưới thống kê chuyên nghiệp để tự thiết kế và tổ chức các cuộc điều tra thống kê…
Trong môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, đổi mới công nghệ được xem là chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực tế này đặt ra yêu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ đối với bản thân mỗi doanh nghiệp và cả tầm quốc gia.
Trên thế giới, một trong những phương pháp luận về điều tra, thống kê đang được các nước áp dụng làm cơ sở đánh giá đổi mới công nghệ là cẩm nang Oslo (Oslo Manual) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Theo đó, có 4 nội dung đánh giá đổi mới công nghệ bao gồm: Sản phẩm công nghệ, quy trình công nghệ, tổ chức công nghệ, thị trường công nghệ. Đây cũng là một trong những phương pháp được đề xuất để làm cơ sở đánh giá đổi mới công nghệ ở Việt Nam. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.